Trong y học cổ truyền, tình trạng viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, mẩn ngứa, mày đay… thuộc phạm vi các chứng bệnh như huyết cam, dương phong, ẩn chẩn, thủy giới... Tình trạng bệnh lý này đặc biệt có xu hướng gia tăng trong những ngày nóng ẩm của mùa hè.
Ngứa da tái phát phải trị huyết
Thực tế, không ít người mắc chứng ngứa da, được chẩn đoán, điều trị bằng nhiều loại thuốc, biện pháp của Tây y, nhưng bệnh đỡ ít hoặc không đỡ, ngừng thuốc lại tái phát. Để trị chứng ngứa da này phải chú trọng chữa phần huyết.
Với chứng ngứa da, Đông y xử lý bằng nhiều phương pháp mang tính chất tổng hợp, trong đó có việc chọn dùng các bài thuốc theo nguyên tắc biện chứng luận trị, tuân thủ quan điểm “trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt” (trị bệnh do phong trước tiên phải chú trọng chữa phần huyết).

Một số bài thuốc cụ thể như sau:
Dưỡng huyết nhuận phu ẩm: Sinh địa 12g, đương quy 12g, thiên môn 15g, thục địa 15g, hoàng kỳ 15g, mạch môn 15g, đào nhân 10g, hoàng cầm 12g, thiên hoa phấn 12g, hồng hoa 10g, thăng ma 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, uống trước bữa ăn, ba lần trong ngày.
Công dụng: Tư âm dưỡng huyết, khu phong nhuận táo, chỉ dương, dùng cho người mắc chứng ngứa thuộc thể Huyết hư phong táo với biểu hiện lâm sàng chủ yếu là miệng khô ráo họng khô, da dẻ nhăn nheo khô ráp, lông tóc phờ phạc không nhuận, cơ bắp gầy còm, đại tiện bí kết, tiểu tiện ít, ngoài da ngứa ngáy tróc vẩy, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi khô, mạch huyền tế sác.

Thanh nhiệt giảm ngứa thang: Kinh giới 3g, cương tàm 12g, hoàng liên 3g, bạc hà 3g, hải đồng bì 6g, bang phiến 2g. Tất cả các vị đem sấy khô, tán thành bột mịn, trộn đều, hòa với nước trà đặc thoa lên chỗ ngứa.
Công dụng: Sơ phong, thanh nhiệt, giảm ngứa. Trong phương thuốc, bạc hà và kinh giới khu phong giảm ngứa; Cương tàm so phong, tiết nhiệt, chỉ dương; Hải đồng bì khu phong, sát trùng, giảm ngứa; Hoàng liên thanh nhiệt táo thấp.
Đây là một trong những phương thuốc dùng chữa các bệnh ngoài da nói chung và chứng ngứa da nói riêng của Hoàng đế Quang Tự đời Thanh (Trung Quốc) được ghi trong y thư Quang Tự y phương tuyển nghị.
Chỉ dương tắt phong thang: Sinh địa 12g, đương quy 6g, bạch tật lê 12g, địa long 20g, huyền sâm 15g, đan sâm 30g, cam thảo 3g, mẫu lệ 20g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, trước bữa ăn, 3 lần trong ngày.
Công dụng: Thanh nhiệt lương huyết, tiêu phong giảm ngứa. Dùng cho chứng ngứa da do huyết nhiệt ở thanh niên, trung niên có thể chất khỏe mạnh bị ngứa nhiều đến mức phải gãi làm xây xước da, đặc biệt là vào mùa hè hoặc khi gặp yếu tố nhiệt nóng thì bệnh nặng lên, khi chườm hoặc tắm nước lạnh thì thuyên giảm. Thường có các biểu hiện trong lòng phiền muộn, bức bối, khát nước, thích uống nước mát, môi khô miệng khát, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, đại tiện táo, đi tiểu ra máu, mạch huyền sác.
Trong phương, sinh địa và huyền sâm thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm; Đương quy bổ huyết hoạt huyết, trừ phiền an thần; Đan sâm và địa long hoạt huyết; Mẫu lệ trấn tĩnh an thần; Bạch tật lê bình can chống ngứa. Đây là phương thang được ghi trong y thư Chu Nhân Khang lâm sàng kinh nghiệm tập, lấy nguyên tắc điều hòa phần huyết để chữa ngứa bao gồm cả bổ huyết, lương huyết, hành huyết và hoạt huyết.
Công dụng: Thanh nhiệt lương huyết, tiêu phong giảm ngứa. Dùng cho chứng ngứa da do huyết nhiệt ở thanh niên, trung niên có thể chất khỏe mạnh bị ngứa nhiều đến mức phải gãi làm xây xước da, đặc biệt là vào mùa hè hoặc khi gặp yếu tố nhiệt nóng thì bệnh nặng lên, khi chườm hoặc tắm nước lạnh thì thuyên giảm. Thường có các biểu hiện trong lòng phiền muộn, bức bối, khát nước, thích uống nước mát, môi khô miệng khát, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, đại tiện táo, đi tiểu ra máu, mạch huyền sác.
Trong phương, sinh địa và huyền sâm thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm; Đương quy bổ huyết hoạt huyết, trừ phiền an thần; Đan sâm và địa long hoạt huyết; Mẫu lệ trấn tĩnh an thần; Bạch tật lê bình can chống ngứa. Đây là phương thang được ghi trong y thư Chu Nhân Khang lâm sàng kinh nghiệm tập, lấy nguyên tắc điều hòa phần huyết để chữa ngứa bao gồm cả bổ huyết, lương huyết, hành huyết và hoạt huyết.
Giảm đường, muối, ăn theo tình trạng bệnh
Ngoài việc điều trị bằng thuốc và kiêng kỵ, người bị dị ứng mẩn ngứa nên sử dụng các món ăn sau theo biểu hiện bệnh:

Tỳ bà hấp đường phèn: Tỳ bà diệp 250g rửa sạch, thái vụn, giã nát vắt lấy nước, đem hấp cách thủy cùng một lượng đường phèn vừa đủ trong 20 phút, chia uống vài lần trong ngày. Dùng cho những trường hợp mày đay nổi cục đỏ ngứa.
Sườn lợn hầm hải đới: Xương sườn lợn 100g rửa sạch, chặt nhỏ, đổ nước vừa đủ, đun sôi, vớt sạch bọt nổi rồi cho thêm 50g hải đới và 30g thổ phục linh ninh thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm thức ăn hàng ngày, 10 ngày là một liệu trình. Dùng cho những trường hợp mày đay mạn tính.
Cháo sơn tra: Sơn tra 10g, trúc diệp 10g, mạch nha 15g, cam thảo 5g. Tất cả đem sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi ninh cùng 50g gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày.
Cháo đậu xanh ve sầu: Xác ve sầu 10 con, sắc trong 10 phút, bỏ bã lấy nước ninh với đậu xanh 30g và gạo tẻ 50g thành cháo loãng rồi cho thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.
Chè khoai môn: Khoai môn lượng vừa đủ, cạo sạch, thái miếng rồi đem hầm nhừ, cho thêm muối hoặc đường chia ăn nhiều lần. Dùng cho trẻ em bị mày đay do dị ứng thức ăn.
Cháo đậu xanh: Đậu xanh 30g, bách hợp 30g, thảo quyết minh 10g. Đem thảo quyết minh sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi cho đậu xanh và bách hợp vào ninh nhừ thành cháo, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.
Trong giai đoạn cấp tính, cần giảm ăn đường và muối vì đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng quá mẫn (dị ứng). Còn lượng muối nhiều sẽ gây kích ứng thần kinh ngoại biên. Kiêng những thức ăn gây kích thích như rượu, trà, cà phê, thuốc lá, tiêu, ớt.
Trường hợp đang phù nề, rịn nước thì giảm thức ăn có nhiều nước như canh, súp, uống ít nước. Kiêng những thức ăn có nhiều đạm như tôm, cua, bò, gà, đồ hộp, lạp xưởng, chocolate, trứng, sữa…
Nên ăn chế độ có nhiều vitamin A, B, C, ăn các thức dễ tiêu, có tác dụng chống táo bón như cà chua, cam, chanh, khoai lang, mướp đắng… Đối với trẻ em, cần ăn chế độ giảm đường, sữa đặc, lòng trắng trứng…
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm khoa Đông Y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)