TP HCM dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo Sở Y tế TP HCM, đến thời điểm này, tình hình sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng tại nhiều địa phương.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trong tuần 27 (từ ngày 30/6 đến 6/7/2025) thành phố đã ghi nhận 838 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 43 ca so với tuần trước.

Trong đó riêng khu vực TP HCM (cũ) có 704 ca sốt xuất huyết, tăng gần 39% so trung bình bốn tuần trước. Các địa phương sáp nhập từ tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu cũ cũng ghi nhận số ca tăng nhưng chưa đáng kể.

Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 14.370 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 153% so cùng kỳ năm trước, trong đó đã có 6 ca tử vong.

Ngành Y tế TP HCM nhận định thời điểm hiện nay đang bước vào cao điểm mùa mưa, điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Các đợt dịch lớn giai đoạn 2019–2022 đều bùng phát mạnh từ tháng 6 đến tháng 8. Vì vậy, nếu không duy trì kiểm soát ổ dịch, nguy cơ hình thành chuỗi lây nhiễm thứ phát là rất cao.

Ảnh minh họa/Internet

Hiện ngành Y tế đã tăng cường giám sát ổ dịch, diệt lăng quăng, xử lý điểm nguy cơ và đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh trên nhiều kênh. TP HCM kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện vệ sinh môi trường, diệt muỗi, loại bỏ các vật chứa nước đọng, đảm bảo kiểm soát dịch trong các tháng cao điểm còn lại của năm.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết tăng cao, ngành Y tế thành phố khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại hộ gia đình, khu dân cư và nơi công cộng:

Chủ động diệt lăng quăng, muỗi bằng cách tìm diệt các vật chứa nước đọng. Các dụng cụ chứa nước sinh hoạt như xô, bể, hồ… cần được đậy kín, súc rửa thường xuyên, thả cá bảy màu hoặc thay nước thường xuyên cho bình bông, chậu kiểng, ly nước cúng.

Những vật chứa nước ít sử dụng cần che chắn, không để đọng nước. Đối với phế liệu, đồ vật không dùng đến, cần thu gom, loại bỏ ngay.

Chủ động phòng muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, dùng kem xua muỗi, bình xịt, hương muỗi hoặc vợt muỗi.

Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị, không tự ý chữa tại nhà.

Phối hợp tốt với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất, diệt lăng quăng và chiến dịch diệt muỗi.

Khi phát hiện điểm nguy cơ, kịp thời phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" để được xử lý triệt để.

Người dân tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng sốt xuất huyết/Ảnh: Sở Y tế
Người dân tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng sốt xuất huyết/Ảnh: Sở Y tế

Trước bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh đã lưu ý các địa phương trong phòng chống sốt xuất huyết: Nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ và biện pháp phòng bệnh; Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và các chỉ số muỗi để có hành động kịp thời; Đào tạo chuyên sâu không chỉ cho cán bộ phòng bệnh mà cả khối điều trị, giúp nâng cao năng lực ứng phó và cuối cùng là chủ động triển khai các lớp học, các buổi tập huấn trao đổi kinh nghiệm phòng chống bệnh.

Thai phụ 40 tuổi bị sốt xuất huyết đe dọa tính mạng mẹ con

Khi mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ thường suy yếu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho virus Dengue tấn công và phát triển mạnh mẽ, dẫn đến thể bệnh nặng.

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ vừa tiếp nhận điều trị cho thai phụ 40 tuổi (ở TP Cần Thơ) mang thai tuần thứ 24 bị nhiễm sốt xuất huyết diễn tiến nặng.

Các bác sĩ cũng cảnh báo nguy cơ thai phụ mắc bệnh sốt xuất huyết có thể diễn biến sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng cả mẹ và thai nhi.

Trẻ 12 tuổi béo phì nguy kịch do mắc sốt xuất huyết

Sốc sốt xuất huyết diễn tiến nặng ở trẻ cơ địa dư cân béo phì, trẻ nhũ nhi, tình trạng cô đặc máu nhiều… gây khó khăn trong điều trị.

Ngày 9/7, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cho biết, bệnh viện đang điều trị cho bé trai T. N. M. K. (12 tuổi, ngụ TPHCM) bị sốc sốt xuất huyết trên cơ địa dư cân béo phì với cân nặng 83 kg. Trẻ bị suy hô hấp nặng, tổn thương gan khi mắc sốt xuất huyết.

Khai thác bệnh sử ghi nhận bé K. sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, bé bị đau bụng, ói ra dịch lợn cợn nâu, tay chân lạnh nên người nhà đưa đi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Hà Nội ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua

Trong tuần qua (từ ngày 27/6 đến 4/7/2025), toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường và không có ca tử vong. So với tuần trước, số ca mắc tăng 8 ca.

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 331 ca mắc sốt xuất huyết, không có tử vong, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy chỉ số côn trùng tại một số ổ dịch vẫn ở ngưỡng nguy cơ cao, số ca mắc có thể tiếp tục tăng do thời tiết đang bước vào giai đoạn thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.