Lối sống hiện đại của dân văn phòng, tưởng chừng tiện lợi và an toàn, lại đang tiềm ẩn nhiều mối nguy cho sức khỏe, đặc biệt là chức năng thận. Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Tân, khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, một số thói quen phổ biến nơi công sở có thể âm thầm gây tổn thương cho cơ quan lọc máu quan trọng này.
Thức khuya, ngủ ít
Thận hoạt động theo chu kỳ sinh học. Việc thức khuya, thiếu ngủ kéo dài làm rối loạn điều hòa, cản trở khả năng phục hồi của cơ thể. Những người ngủ dưới 6,5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ suy thận cao hơn bình thường.

Giấc ngủ từ 7–9 tiếng mỗi đêm, đúng giờ và đều đặn, giúp cơ thể hồi phục và hỗ trợ thận vận hành hiệu quả hơn.
Ngồi nhiều, ít vận động
Ngồi lâu không chỉ ảnh hưởng đến hệ cơ – xương – khớp mà còn tác động xấu đến tuần hoàn máu và chức năng thận. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp – những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây suy thận.

Ngoài ra, vận động kém khiến thận khó đào thải cặn bã, tăng nguy cơ lắng đọng canxi, hình thành sỏi. Bác sĩ khuyên nên vận động ít nhất 60 phút/ngày như đi bộ, đạp xe hoặc tập thể dục nhẹ.
Bỏ bữa sáng
Nhịn ăn sáng gây rối loạn chuyển hóa, khiến cơ thể giảm năng lượng, làm chậm tốc độ lọc máu của thận. Mặt khác, dịch mật tích tụ lâu có thể ảnh hưởng tới hệ tiết niệu và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Bữa sáng nên có đầy đủ carbohydrate, protein và chất xơ để duy trì năng lượng ổn định trong ngày.
Căng thẳng kéo dài
Áp lực công việc và stress kéo dài làm tăng tiết hormone adrenaline, cortisol, từ đó gây cao huyết áp mạn tính – yếu tố làm tổn thương mạch máu thận. Khi các mạch này bị tổn hại, thận sẽ giảm khả năng lọc máu, dễ dẫn đến suy thận.

Giải pháp giảm căng thẳng hiệu quả bao gồm tập yoga, thiền, thở sâu và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đúng giờ.
Ăn uống thiếu kiểm soát
Thói quen ăn nhiều muối, thịt đỏ, nội tạng, hải sản, đồ ăn nhanh hoặc tiêu thụ rượu bia thường xuyên khiến thận phải làm việc quá tải để đào thải độc tố. Ăn mặn dễ gây cao huyết áp; ăn quá nhiều đạm động vật làm tăng gánh nặng cho thận và giảm độ lọc cầu thận (eGFR).
Việc uống rượu, bia làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp – nguyên nhân trực tiếp gây suy thận mạn tính.
Uống không đủ nước
Do ngồi phòng lạnh và ít vận động, dân văn phòng thường uống ít nước, dẫn đến giảm hiệu quả lọc máu. Thiếu nước khiến nồng độ chất thải trong nước tiểu tăng cao, dễ gây sỏi thận hoặc nhiễm trùng tiểu.
Lượng nước khuyến cáo mỗi ngày tại Việt Nam được tính bằng công thức: trọng lượng cơ thể x 4 (ml). Trung bình, phụ nữ cần khoảng 2,7 lít và nam giới 3,7 lít nước/ngày trong điều kiện khí hậu ôn hòa.
Nhịn tiểu

Trong guồng quay công việc bận rộn, không ít người thường xuyên trì hoãn việc đi vệ sinh vì ngại rời khỏi bàn làm việc, bận họp hoặc đơn giản là “cố nốt cho xong việc”. Việc nhịn tiểu kéo dài làm tăng áp lực lên bàng quang, từ đó ảnh hưởng đến thận, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc suy thận nếu kéo dài.