Ung thư là một trong những bệnh lý phức tạp và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố - bao gồm cả di truyền và lối sống. Trong đó, chế độ ăn uống hàng ngày là yếu tố hoàn toàn có thể điều chỉnh và đóng vai trò đáng kể trong việc tăng hoặc giảm nguy cơ mắc ung thư.
Dưới đây là một số thói quen ăn uống buổi sáng phổ biến nhưng không khoa học, nếu duy trì lâu dài có thể làm tăng gánh nặng chuyển hóa, viêm, thậm chí là nguy cơ ung thư theo các nghiên cứu y học gần đây:

Ăn sáng với thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội, lạp xưởng)
Các loại thịt chế biến sẵn thường chứa nitrit và nitrat - chất bảo quản có thể tạo thành N-nitroso compounds trong cơ thể, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm chất có khả năng gây ung thư (Group 1 carcinogen).
Ngoài ra, quá trình hun khói, tẩm ướp, đóng hộp còn có thể tạo ra hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) – chất có liên quan đến tổn thương DNA và sự hình thành tế bào ác tính.
Khuyến nghị: Hạn chế dùng các loại thịt chế biến sẵn vào buổi sáng. Ưu tiên protein từ trứng luộc, thịt nạc, cá hấp hoặc các nguồn thực vật như đậu hũ, đậu đen.
Bữa sáng nhiều đồ chiên rán (bánh rán, khoai tây chiên, quẩy)
Các món chiên rán giàu tinh bột khi chế biến ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra acrylamide - một hợp chất có tiềm năng gây ung thư ở người theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC).
Ngoài ra, thói quen ăn đồ chiên còn liên quan đến tăng cân, kháng insulin, viêm mạn tính – tất cả đều là yếu tố nền của nhiều bệnh ung thư.
Khuyến nghị: Thay thế bằng các món nấu đơn giản như bún, phở nước, cháo yến mạch, bánh mì nướng nguyên cám không chiên.
Nấu hoặc nướng thực phẩm quá kỹ
Khi thịt hoặc thực phẩm giàu tinh bột bị nấu quá kỹ, cháy cạnh, có thể sản sinh thêm HCAs (amin dị vòng) và PAHs - cả hai đều có bằng chứng rõ ràng về khả năng gây ung thư trên mô hình động vật.
Khuyến nghị: Sử dụng các phương pháp chế biến nhẹ nhiệt độ như hấp, luộc, nấu áp suất thay vì nướng than hoặc chiên giòn.

Ăn sáng nhiều đường và tinh bột tinh luyện (bánh ngọt, bánh mì trắng, nước ngọt)
Đây là nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, gây tăng insulin, rối loạn chuyển hóa, góp phần vào béo phì, tiểu đường type 2 – vốn là những yếu tố nguy cơ đã được chứng minh liên quan đến ung thư vú, đại trực tràng, nội mạc tử cung…
Khuyến nghị: Thay thế bằng ngũ cốc nguyên cám, yến mạch, gạo lứt, trái cây ít đường, bổ sung thêm đạm và chất xơ để bữa sáng đủ dinh dưỡng và ổn định đường huyết.
Dù không thể kiểm soát mọi yếu tố nguy cơ, nhưng việc điều chỉnh thói quen ăn uống hằng ngày là một trong những bước chủ động, hiệu quả và hoàn toàn khả thi để bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Tuy nhiên, thay đổi ăn uống là cần thiết nhưng chưa đủ. Để phát hiện sớm và ngăn ngừa ung thư kịp thời, việc tầm soát định kỳ bằng các phương pháp y học hiện đại như nội soi tiêu hóa, xét nghiệm máu, chụp ảnh chẩn đoán, cũng vô cùng quan trọng.
ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (giảng viên Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)