Hầu mọi người đều không nghĩ ngợi gì khi cho đồ ăn thừa từ tối hôm trước vào lò vi sóng để có một bữa tối không phải lo lắng.
Tuy nhiên, một chuyên gia an toàn thực phẩm đã cảnh báo rằng việc làm này có thể khiến bạn gặp nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Tiến sĩ Stacey Duvenage, thuộc Viện Tài nguyên Thiên nhiên tại Đại học Greenwich, London, cho biết:
"Với hy vọng giảm lãng phí thực phẩm, người ta thường giữ lại đồ ăn thừa để dùng cho bữa sau.
Tuy nhiên, cần hết sức cẩn thận khi chuẩn bị và hâm nóng lại để tránh ngộ độc thực phẩm và giữ được giá trị dinh dưỡng".
Dưới đây là danh sách 4 loại thực phẩm mà bạn cần đặc biệt lưu ý khi ăn lại sau một hoặc hai ngày.
![]() |
Những thực phẩm hâm lại dễ gây bệnh nghiêm trọng - Ảnh minh họa |
Protein trong trứng bị oxy hóa tạo ra các chất gây ung thư
Trứng không nên hâm nóng lại dưới bất kỳ hình thức nào, theo tiến sĩ Duvenage. Bà cho rằng loại thực phẩm giàu protein này chỉ nên ăn lạnh trong vòng 24 giờ sau khi nấu.
“Trứng được yêu thích trên toàn thế giới nhờ sự tiện lợi, giá cả hợp lý và lợi ích sức khỏe, nhưng trứng thừa không nên hâm lại,” bà nói.
Lý do, việc hâm lại làm protein bị oxy hóa, có thể tạo ra các chất gây ung thư trong thực phẩm.
Nấm hâm nóng dễ nguy hiểm
Nấm khi hâm nóng lại không chỉ trở nên nhũn và kém ngon, mà còn có thể phá hủy protein và chất dinh dưỡng.
Nếu để nấm quá lâu ở nhiệt độ phòng, bạn có thể bị đau bụng hoặc vấn đề tiêu hóa.
Trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng bệnh có thể trở nên nguy hiểm hơn.
![]() |
Nấm hâm nóng lại dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh minh họa |
Khoai tây dễ nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum
Khoai tây là thực phẩm phổ biến và bổ dưỡng, nhưng sau khi nấu, làm nguội và hâm lại, cơ thể sẽ khó tiêu hóa hơn.
Ngoài ra, nếu để khoai ngoài nhiệt độ phòng trong nhiều giờ, có thể xuất hiện vi khuẩn Clostridium botulinum.
Loại vi khuẩn này tạo ra độc tố gây ngộ độc thịt (botulism) – không bị tiêu diệt dù hâm lại.
Ngộ độc botulinum là một bệnh nguy hiểm đến tính mạng, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não và tủy sống. Biểu hiện ban đầu gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, sau đó là liệt cơ, sụp mí mắt, mờ mắt, nói ngọng, khó thở.
Hải sản tạo ra histamine gây ngộ độc
Bạn có thể hâm nóng lại hải sản, nhưng phải cẩn thận trong cách bảo quản và chuẩn bị.
Nên cho vào tủ lạnh càng sớm càng tốt và ăn trong vòng 24 giờ.
Nếu không được bảo quản lạnh, một số loại cá có thể tạo ra histamine, gây phản ứng dị ứng như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, cảm giác nóng rát trong miệng, phát ban, ngứa ngáy, huyết áp thấp.
Tình trạng này phổ biến ở các loại cá như cá ngừ, cá thu, cá ngừ đại dương, thuộc họ Scombridae và Scomberesocidae.
BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)