Các bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, đặc biệt là rượu pha cồn công nghiệp chứa methanol - một chất độc tiềm ẩn nguy cơ gây mù lòa và tử vong.
Methanol là gì?
Methanol là cồn công nghiệp (cồn methylic), tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm. Khi vào cơ thể, methanol chuyển hóa thành acid formic – một chất cực độc gây tổn thương hệ thần kinh và thị thần kinh, có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.
Biểu hiện ở mắt khi ngộ độc Methanol:
Giảm thị lực nhanh, nhìn mờ, nhìn thấy bóng đen
Sung huyết và phù gai thị, đĩa thị nhạt màu sau đó
Phản xạ ánh sáng kém, có thể mất phản xạ hoàn toàn
Rung giật nhãn cầu, rối loạn vận nhãn
Những dấu hiệu này có thể khởi phát sớm sau vài giờ hoặc muộn hơn, nhưng thường không hồi phục gây mù nếu không điều trị kịp thời.

Biểu hiện toàn thân kèm theo:
Buồn nôn, đau đầu, thở nhanh sâu (kiểu Kussmaul), lơ mơ, co giật
Toan chuyển hóa nặng, nhịp tim chậm, tụt huyết áp
Nặng có thể hôn mê và tử vong.
Cách xử lý tổn thương mắt do methanol
Theo các bác sĩ Khoa Mắt – Bệnh viện Bạch Mai, việc phát hiện và xử trí tổn thương mắt do ngộ độc methanol, cần thực hiện:
Khám chuyên sâu thị thần kinh, soi/chụp đáy mắt, siêu âm mắt, chẩn đoán bằng OCT, thị trường, chụp MRI sọ não… Theo dõi và điều trị can thiệp phục hồi chức năng thị giác.
Phối hợp liên chuyên khoa (Chống độc, Hồi sức tích cực, Thận nhân tạo...) để xử trí điều trị tình trạng toàn thân, xét nghiệm độc chất trong máu, lọc máu nếu có chỉ định, hồi sức cấp cứu…
Cảnh báo cộng đồng
Tuyệt đối không sử dụng rượu không nhãn mác, rượu tự pha, rượu giá rẻ trôi nổi.
Nếu sau khi uống rượu có biểu hiện mờ mắt, đau đầu, buồn nôn, thở bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế, không tự điều trị.
Việc dùng rượu liên tục thường xuyên hoặc có thói quen uống rượu nhiều tháng, năm phải chủ động khám mắt, chẩn đoán sớm và điều trị đúng chuyên khoa là yếu tố quyết định để cứu thị lực.
Methanol có thể giết chết ánh sáng đôi mắt bạn, hãy cảnh giác.