Theo Sở Y tế TP Huế, từ đầu năm đến ngày 14/7, trên địa bàn ghi nhận 37 trường hợp mắc liên cầu lợn. Trong đó, chỉ 4 ngày trở lại đây ghi nhận thêm 4 ca, bệnh nhân ở độ tuổi từ 51 - 90, trú tại các phường An Cựu, Phong Điền và xã Bình Điền.
Trong tất cả ca bệnh, có 1 trường hợp tử vong, 3 ca bệnh nặng và 14 ca xuất viện. Các bệnh nhân đều được điều trị theo kháng sinh đồ, một số trường hợp cho thấy triệu chứng giảm rõ rệt chỉ sau vài ngày điều trị.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế cho biết, trước diễn biến của bệnh liên cầu lợn, ngành y tế tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về nguyên nhân, đường lây truyền, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa đến với người dân.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn kiểm soát và điều trị bệnh liên cầu lợn cho lực lượng y tế cơ sở nhằm cập nhật kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực trong việc khoanh vùng, xử lý ca bệnh để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Sở Y tế nhấn mạnh: “Đây là bệnh có thể phòng được nếu người dân chủ động thực hiện các khuyến cáo. Không chủ quan, không giấu dịch và không để xảy ra tình trạng lây lan từ những thói quen thiếu an toàn trong tiêu dùng”.
Sở Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, lòng lợn hoặc thịt lợn chưa nấu chín kỹ; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh hoặc lợn chết bất thường. Khi chế biến thực phẩm, cần sử dụng găng tay, khẩu trang và rửa tay kỹ bằng xà phòng. Thịt lợn cần được mua từ nguồn có kiểm dịch rõ ràng. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tại nhà.

Lãnh đạo Sở Y tế Huế khuyến cáo người dân tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế, tuyệt đối không sử dụng thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa được nấu chín kỹ và cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến hằng ngày để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, người dân có thể phân biệt lợn khỏe mạnh và lợn bệnh thông qua một số đặc điểm nhận biết. Cụ thể, đối với lợn khỏe, khi mổ ra màu sắc thịt đỏ tươi, mỡ trắng sáng, không mùi hôi, da không có đốm, các vết khác thường.
Đối với lợn bệnh, thịt có màu lạ như thâm xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy nhớt đó là lợn ôi hoặc đã mắc bệnh. Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra độ đàn hồi của thịt, lấy ngón tay ấn vào miếng thịt không bị lõm, không bị dính hay rỉ nước thì đó là lợn khỏe mạnh.