Người Việt Nam tiêu thụ đường gấp 2 lần khuyến nghị, gây ra nhiều bệnh

Tại Việt Nam, tiêu thụ đường tăng gấp 7 lần trong 15 năm. Sử dụng nhiều đường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm: béo phì, mỡ máu, đái tháo đường,….

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam là 46,5 gam/ngày, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (25 gam/ngày). Sử dụng nhiều đường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm (béo phì, mỡ máu, đái tháo đường,…).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ; chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn; đồ uống sữa có pha chế hương liệu.

Trong nhịp sống hiện đại, các loại đồ uống có đường dễ dàng mang theo trong mọi chuyến đi chơi, hoạt động thể chất… dần trở thành đồ uống hằng ngày không thể thiếu đối với nhiều người.

Khuyến cáo của WHO về tiêu thụ đường - Ảnh nguồn Bệnh viện Nội tiết TƯ

Khuyến cáo của WHO về tiêu thụ đường - Ảnh nguồn Bệnh viện Nội tiết TƯ

Một nghiên cứu của UNICEF về thói quen tiêu thụ và cảm nhận về tác động tới sức khỏe từ đồ uống có đường của thanh, thiếu niên Việt Nam cho thấy 43% thanh, thiếu niên uống đồ uống có đường trên 2 lần/tuần; 13,5% uống gần như hằng ngày.

Phỏng vấn thanh niên cho thấy có tới trên 20% bạn trẻ uống 2 lon/chai/cốc trở lên mỗi lần sử dụng đồ uống có đường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc tiêu thụ lượng đường tự do cao hơn sẽ đe dọa chất lượng dinh dưỡng, dẫn đến tăng cân không lành mạnh và tăng nguy cơ béo phì.

Không chỉ gây thừa cân, béo phì, đồ uống có đường còn làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa như gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2; gia tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, bệnh tim mạch; gia tăng nguy cơ bị gout…

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên giảm lượng đường tự do hấp thụ ở mọi lứa tuổi. Ở cả người lớn và trẻ em, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên giảm lượng đường tự do hấp thụ xuống dưới 10% tổng lượng năng lượng hấp thụ.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo nên giảm thêm lượng đường tự do hấp thụ xuống dưới 5% tổng lượng năng lượng hấp thụ.