Mỗi ngày, hai quả thận lọc khoảng 50 gallon máu, loại bỏ chất độc, kiểm soát huyết áp, cân bằng nước, điện giải và hỗ trợ sản xuất hormone. Tuy nhiên, chỉ với những thói quen tưởng chừng vô hại như lựa chọn đồ uống không phù hợp, chức năng thận có thể suy giảm âm thầm theo thời gian.
![]() |
Ảnh minh hoạ/ Nguồn: Internet |
Nước ngọt có gas
Trong nước ngọt có chứa hàm lượng lớn đường tinh luyện, chất tạo màu, chất tạo vị, cùng các axit như axit phosphoric. Việc tiêu thụ thường xuyên axit phosphoric có liên quan đến sự hình thành sỏi thận, làm tăng gánh nặng cho hệ bài tiết. Ngoài ra, đường trong nước ngọt làm tăng lượng insulin, gây kháng insulin, dẫn đến tiểu đường, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn.
Đồ uống năng lượng
Nước tăng lực được quảng bá như “trợ thủ” cho những người cần sự tỉnh táo và tập trung cao độ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, tài xế đường dài hay dân văn phòng.
Các loại nước tăng lực chứa lượng lớn caffeine, đường, taurine và các chất kích thích khác. Việc sử dụng thường xuyên gây mất cân bằng điện giải, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, từ đó tạo áp lực liên tục cho thận trong quá trình lọc máu và duy trì độ ổn định của dịch thể trong cơ thể. Ngoài ra, caffeine có tính lợi tiểu nhẹ, khiến cơ thể mất nước nếu không được bổ sung bù kịp thời, làm tăng nguy cơ tổn thương cầu thận và ống thận về lâu dài.
Cà phê và trà đặc
Caffeine trong cà phê và các hợp chất như oxalat trong trà khi được tiêu thụ ở mức cao có thể gây tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ lớn của bệnh thận mạn. Ngoài ra, oxalat còn liên quan đến sự hình thành sỏi thận, đặc biệt ở những người có chế độ ăn thiếu canxi hoặc uống ít nước.
Một tách cà phê mỗi ngày có thể mang lại lợi ích, nhưng nếu uống 3–5 tách trở lên mỗi ngày, đặc biệt khi có kèm theo đường và sữa béo, thì nguy cơ cho thận sẽ tăng rõ rệt.
Rượu bia
Khi uống rượu bia, cơ thể phải tăng cường hoạt động để phân giải cồn, quá trình này đòi hỏi thận phải làm việc nhiều hơn để lọc chất độc và duy trì cân bằng nước và muối.
Lạm dụng rượu bia còn gây mất nước, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến chức năng nội tiết của thận. Trong những trường hợp ngộ độc rượu nặng, có thể dẫn đến tổn thương thận cấp tính, một tình trạng cần can thiệp y tế ngay lập tức.
Về lâu dài, việc uống rượu thường xuyên còn thúc đẩy nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa như tiểu đường, gout… tất cả đều có mối liên hệ trực tiếp tới thận.
Nước trái cây đóng chai
Hầu hết các loại nước trái cây công nghiệp đều chứa lượng đường rất cao, thậm chí còn vượt cả soda. Ngoài ra, chúng còn chứa chất bảo quản, màu nhân tạo và hương liệu tổng hợp.
Việc tiêu thụ thường xuyên các loại nước này làm tăng đường huyết, tăng nguy cơ béo phì và gây gánh nặng lên thận. Đối với những người đã có vấn đề về chuyển hóa, nước trái cây đóng chai có thể là tác nhân đẩy nhanh tiến trình suy giảm chức năng thận.
Làm gì để bảo vệ thận từ những lựa chọn đồ uống hằng ngày?
Uống đủ nước lọc: Tối thiểu 1.5 – 2 lít mỗi ngày, tăng thêm nếu vận động nhiều hoặc trời nóng.
Ưu tiên nước ép tươi, không thêm đường: Trái cây nguyên chất giàu vitamin, chất chống oxy hóa và ít nguy cơ gây hại.
Giảm đồ uống chứa caffeine và đường: Hạn chế cà phê đặc, trà đậm, nước ngọt, rượu bia.
Đọc kỹ nhãn sản phẩm: Tránh các loại đồ uống có thành phần hóa học phức tạp, nhiều phụ gia, hoặc chứa đường.
Thăm khám sức khỏe định kỳ: Đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, đái tháo đường, tiền sử sỏi thận.