Trung tâm Y tế huyện Yên Lập (Phú Thọ) vừa tiếp nhận, cấp cứu thành công cho cụ bà 94 tuổi, trú tại thị trấn Yên Lập, vào viện trong tình trạng khó thở tăng dần, toàn thân tím tái. Bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp và suy tim nhiều năm. Trước nhập viện ba ngày, bệnh nhân xuất hiện ho từng cơn, tức ngực, khó thở và được người nhà đưa đi cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ xác định đây là một tình huống suy hô hấp cấp nghi ngờ liên quan đến đột quỵ não, nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản, thở máy và điều trị theo phác đồ hồi sức nội khoa tích cực. Sau một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt: cắt thuốc vận mạch, giảm liều kháng sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, các bác sĩ phát hiện trên da bệnh nhân xuất hiện nhiều mẩn đỏ, ngứa rát, tập trung ở lưng và bụng. Sau thăm khám và loại trừ nguyên nhân, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Lyell - còn gọi là hoại tử thượng bì do nhiễm độc.
Theo BSCKI. Phạm Minh Đức, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, hội chứng Lyell là một thể lâm sàng nặng nhất của dị ứng thuốc, đặc trưng bởi tổn thương hoại tử lan tỏa lớp thượng bì, gây bong tróc da diện rộng như bỏng nhiệt cao. Tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân cao tuổi mắc hội chứng này rất cao, nhất là khi có kèm suy hô hấp.
Ngay khi phát hiện, bệnh nhân được điều trị tích cực theo đúng phác đồ dành cho Lyell. Sau hai ngày điều trị, các tổn thương ngoài da cải thiện nhanh, mẩn đỏ biến mất, bệnh nhân không còn ngứa và bắt đầu hồi phục tốt.
Theo bác sĩ Phạm Minh Đức, người cao tuổi, đặc biệt có bệnh nền như tăng huyết áp, suy tim… cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, kể cả thuốc ho, kháng sinh hay thuốc cảm cúm. Nhiều trường hợp dị ứng thuốc có thể gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến phản vệ hoặc hội chứng Lyell như trường hợp trên.
Hội chứng Lyell thường bắt đầu bằng những mảng ban đỏ, sau đó nổi bọng nước lớn, rồi bong tróc biểu bì thành từng mảng, giống như bỏng nặng. Tổn thương không chỉ khu trú ở da mà còn có thể ảnh hưởng niêm mạc và các cơ quan nội tạng, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không điều trị đúng và kịp thời.
Theo thống kê, ở Mỹ chiếm khoảng 35%, ở Việt Nam khoảng hơn 50% số ca mắc bệnh. Hội chứng Lyell khởi phát như hội chứng Stevens - Johnson tuy nhiên các thương tổn ở hốc tự nhiên tiến triển lan khắp người với những mảng da bị bóc tách ra.
Hội chứng Lyell khác với các biểu hiện dị ứng do nguồn gây bệnh khác. Về bệnh học hầu hết các bệnh dị ứng được đặc trưng bởi phản ứng trực tiếp của cơ thể đối với chất gây dị ứng. Hội chứng Lyell thì xảy ra khi hợp chất protein gây dị ứng hiện diện trong các tế bào của lớp biểu bì, làm cho lớp trên cùng của da trở thành vật “lạ” với cơ thể và dẫn đến cơ thể không tiếp nhận nó.
Kết quả là cơ thể sẽ phân hủy nhanh chóng chất lạ do đó phá hủy cả lớp biểu bì của cơ thể. Chất gây dị ứng phụ thuộc vào từng cá thể. Thậm chí các thuốc có vẻ vô hại cũng có thể tạo nên một phản ứng dị ứng mạnh ở một số người.