Hà Nội ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết trong tuần qua

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 34 ca sốt xuất huyết tại 16 xã, phường, tăng 13 ca so với tuần trước.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), trong tuần từ 4/7 đến 11/7, toàn thành phố ghi nhận 34 ca mắc sốt xuất huyết tại 16 xã, phường, tăng 13 ca so với tuần trước.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm, Hà Nội đã có 365 ca mắc sốt xuất huyết và 7 ổ dịch, hiện còn 4 ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Tây Hồ (2), phường Phú Xuyên (1), xã Hát Môn (1).

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba. Ảnh: KT
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba. Ảnh: KT

Trong đó, ổ dịch tại Văn Lãng, xã Phú Xuyên, có 7 bệnh nhân, xác định ngày 4/7; Ổ dịch tại thôn 2 Liên Hiệp, xã Hát Môn, có 3 bệnh nhân, xác định ngày 8/7; Ổ dịch tại N15 khu tập thể Bộ tư lệnh cảnh vệ, phường Tây Hồ, có 5 bệnh nhân, xác định ngày 9/7; Ổ dịch tại ngõ 445 Lạc Long Quân, phường Tây Hồ, có 3 bệnh nhân, xác định ngày 9/7.

CDC nhận định số ca mắc có xu hướng tăng, chỉ số côn trùng tại ổ dịch đạt ngưỡng nguy cơ cao. Dự báo số ca có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết bước vào mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Duy Tuân/HNM

Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm khác cũng được ghi nhận trong tuần qua: Tay chân miệng có 54 ca mắc tại 36 xã, phường (giảm nhẹ so với tuần trước). Cộng dồn 2025: 3.100 ca, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2024.

Sởi có 29 ca tại 25 xã, phường, cộng dồn 4.254 ca (tăng mạnh so với 2 ca cùng kỳ 2024), trong đó có 1 ca tử vong. Trẻ dưới 5 tuổi chiếm gần 40% tổng số ca.

COVID-19: 31 ca mắc mới, giảm so với tuần trước, nâng tổng số ca năm 2025 lên 2.027.

Ho gà: 2 ca mới, cộng dồn 15 ca trong năm (giảm nhiều so với 173 ca cùng kỳ năm ngoái).

Viêm não Nhật Bản B có 1 ca mắc ở trẻ 4 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vaccine...

Hiện, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp, trên hệ thống phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT và tại cộng đồng, để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.

Hà Nội kiểm soát chất lượng thuốc cổ truyền, dược liệu

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu UBND xã, phường tăng cường kiểm tra công tác kiểm soát chất lượng thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu, Sở Y tế Hà Nội ra văn bản số 3519/SYT-NVD về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu UBND xã, phường tăng cường kiểm tra công tác kiểm soát chất lượng thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu đã mua sắm và sử dụng tại cơ sở kinh doanh dược, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý. Định kỳ báo cáo kết quả kiểm tra về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế, UBND Thành phố.

TP HCM dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo Sở Y tế TP HCM, đến thời điểm này, tình hình sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng tại nhiều địa phương.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trong tuần 27 (từ ngày 30/6 đến 6/7/2025) thành phố đã ghi nhận 838 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 43 ca so với tuần trước.

Trong đó riêng khu vực TP HCM (cũ) có 704 ca sốt xuất huyết, tăng gần 39% so trung bình bốn tuần trước. Các địa phương sáp nhập từ tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu cũ cũng ghi nhận số ca tăng nhưng chưa đáng kể.

Thai phụ 40 tuổi bị sốt xuất huyết đe dọa tính mạng mẹ con

Khi mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ thường suy yếu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho virus Dengue tấn công và phát triển mạnh mẽ, dẫn đến thể bệnh nặng.

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ vừa tiếp nhận điều trị cho thai phụ 40 tuổi (ở TP Cần Thơ) mang thai tuần thứ 24 bị nhiễm sốt xuất huyết diễn tiến nặng.

Các bác sĩ cũng cảnh báo nguy cơ thai phụ mắc bệnh sốt xuất huyết có thể diễn biến sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng cả mẹ và thai nhi.