Nút mạch khẩn cấp để cứu bệnh nhân
1h sáng ngày 14/7, tại phòng can thiệp – Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh phối hợp Khoa Hồi sức cấp cứu đã nút mạch cầm máu thành công cho nam bệnh nhân 59 tuổi bị vỡ thận độ IV do tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Hình ảnh CT ổ bụng ghi nhận: Vỡ thận phải độ IV; Chảy máu hoạt động; Tụ máu quanh thận. Đồng thời, bệnh nhân còn vỡ xương sọ và xương mặt.


Sau hội chẩn liên khoa bệnh nhân được tiên lượng rất nặng. Thay vì phải chuyển tuyến – tiềm ẩn nhiều rủi ro như sốc mất máu, ngừng tuần hoàn trên đường đi, bệnh nhân đã được xử trí kịp thời ngay tại tuyến cơ sở.
Trong tình huống nguy kịch, bệnh nhân đã được can thiệp nút mạch ngay trong đêm tại Bệnh viện Hùng Vương. Nhờ xử trí kịp thời, các bác sĩ đã kiểm soát chảy máu, bảo tồn tối đa nhu mô thận và giành lại sự sống cho người bệnh. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi sát tại Khoa Hồi sức cấp cứu.

Nhận biết sớm để tránh tử vong
PGS.TS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, chấn thương thận chiếm tỷ lệ 10-12% chấn thương bụng, có thể chỉ chấn thương thận đơn thuần, hoặc trong bệnh cảnh đa chấn thương. Chấn thương thận gặp ở nam nhiều hơn nữ tỷ lệ 3/1, gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tuổi từ 16-45 chiếm tỷ lệ cao 75-80%.
Nguyên nhân gây chấn thương thận thông thường nhất là các tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ngã cao, bị đánh vào vùng thắt lưng. Chấn thương trực tiếp chiếm 85-90%. Có khi là nguyên nhân gián tiếp như ngã cao làm các tạng ổ bụng và thận bị dồn mạnh cũng có thể gây chấn thương thận (5-10%).
Triệu chứng chấn thương thận bao gồm:
– Đái máu: Đại thể, toàn bãi (đái máu xuất hiện trong suốt quá trình đi tiểu), mức độ thường tỷ lệ thuận với thương tổn thận, tuy nhiên đôi khi thương tổn cuống thận có thể không đái máu. Đái máu tái phát sau 7 ngày, có khi sau 15 ngày, gặp trong những trường hợp tổ chức thận dập nát hoại tử, không thể tự liền, đòi hỏi phải can thiệp ngoại khoa.
– Triệu chứng thực thể: Khối máu tụ thắt lưng. Sờ thấy co cứng vùng thắt lưng.
Theo dõi tiến triển khối máu tụ có ý nghĩa quan trọng để đánh giá, tiên lượng một trường hợp chấn thương thận. Khối máu tụ căng nhanh thì bụng chướng tăng và co cứng nửa bụng rõ.
Chấn thương thận có thể diễn biến ở mức độ ổn định hay ngược lại nặng lên.
Xu hướng ổn định: Bệnh nhân bớt đau, bụng bớt chướng và có trung tiện đái máu nhạt màu dần, sẫm màu, nâu vàng. Khối máu tụ không to, tổ chức thận đụng dập, liền sẹo và xơ hoá.
Xu hướng không ổn định: Bệnh tiến triển nặng lên. Đái ra máu tiếp diễn máu cục, máu tươi, khối máu tụ tăng lên, nếu được truyền máu hồi phục kịp thời và kháng sinh bệnh sẽ ổn định hoặc phải chuyển cấp cứu can thiệp phẫu thuật.
Chấn thương nặng: Vỡ nát thận hay đứt cuống thận: đái ra máu dữ dội, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nặng cần phải phẫu thuật ngay.
Biến chứng: Viêm tấy hố thắt lưng, với bệnh cảnh lâm sàng như sốt cao đau vùng thắt lưng, sưng nề hố sườn thắt lưng; Đau lưng kéo dài do viêm xơ quanh thận; Ứ nước thận do viêm xơ chít quanh niệu quản sau phúc mạc; Những thương tổn động tĩnh mạch có thể gây phồng hoặc thông động tĩnh mạch thận; Xơ teo thận sau chấn thương gây cao huyết áp.
PGS.TS Đỗ Trường Thành nhấn mạnh, việc đánh giá đầy đủ cụ thể chấn thương thận sẽ cho hướng xử trí thích hợp.
Điều trị bảo tồn hay can thiệp phẫu thuật phải dựa vào các yếu tố sau: Mức độ đái ra máu, tiến triển chung của khối máu tụ vùng thắt lưng. Mức độ tổn thương thận dựa vào kết quả của chụp niệu đồ tĩnh mạch – siêu âm – Scanner.
Điều trị ngoại khoa: Chỉ định can thiệp phẫu thuật cấp cứu
Chấn thương thận nặng: Đứt cuống thận, vỡ thận nặng. Có thương tổn các tạng khác trong ổ bụng.
Chỉ định can thiệp sớm. Các trường hợp điều trị nội khoa không ổn định. Biến chứng nặng lên đái ra máu tăng, khối máu tụ tăng; Toàn thận thay đổi dấu hiệu sốc mất máu; Xquang: Dập vỡ một cực thận, một phần thận không ngấm thuốc, hình ảnh thuốc cản quang tràn ra ngoài bao thận; Các trường hợp đái máu tái phát nặng đã truyền dịch.