Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, Chi cục QLTT tỉnh Phú Thọ đã phát hiện và tạm giữ 23.468 sản phẩm yến chưng của Công ty TNHH Yến sào Tuấn Dương & TKT có dấu hiệu không đạt chất lượng so với bản tự công bố sản phẩm.
Đội QLTT số 7 đã tiến hành lấy 8 mẫu yến chưng tại công ty này để kiểm định chất lượng. Kết quả hàm lượng protein chỉ đạt từ 18% đến 58%, trong khi hàm lượng lipid chỉ đạt khoảng 3% so với mức đã công bố trên nhãn sản phẩm.
Cơ quan chức năng xác định 23.468 sản phẩm yến chưng của Công ty TNHH Yến sào Tuấn Dương & TKT là hàng giả.
Sử dụng yến giả trong thời gian đầu không có biểu hiện xấu về sức khỏe nhưng lâu dài gây tổn thương thành dạ dày có thể dẫn đến ung thư thành ruột, suy gan, suy thận...

Phân biệt yến thật, giả thế nào?
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, tổ yến (yến sào) từ lâu đã được xem là một loại thực phẩm quý, đặc biệt trong y học cổ truyền phương Đông.
Theo Đông y, yến sào có vị ngọt, tính bình, không độc, lợi vào 3 kinh Phế, Vị và Thận; có tác dụng tư âm nhuận phế, bổ tỳ ích khí; Chủ trị các chứng hư tổn (cơ thể suy yếu), ho, ho ra máu, hen suyễn, nôn ra máu, đau dạ dày, lỵ lâu ngày...
Yến thường được dùng làm thức ăn hay thuốc bổ dưỡng cho những người mới ốm dậy, cơ thể gầy yếu, người cao tuổi, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau sinh bị băng huyết; Hỗ trợ và điều trị bệnh đường hô hấp và tiêu hóa.
Yến sào không chỉ là một món ăn ngon mà còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng vi lượng thiết yếu mà cơ thể con người không tổng hợp được, mang lại lợi ích cho nhiều nhóm tuổi.
Chính tổ yến ngày càng được nhiều người ưa chuộng khiến tình trạng sản phẩm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường. Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, hiện nay, trên thị trường có 3 loại tổ yến:
Yến tự nhiên (yến đảo): Loại tổ yến này được đánh giá có giá trị cao nhất so với các loại khác bởi sản lượng ít và quá trình khai thác yến đảo rất nguy hiểm.
Yến nhà: Được nuôi bởi các nhà đầu tư trong các nhà yến, chim yến được dẫn về sinh sống, xây tổ và thu hoạch. Mặc dù được gọi là yến nuôi nhưng loại yến này ở Việt Nam vẫn giữ được tính hoang dã trong quá trình sống và xây tổ. Do đó, hàm lượng chất dinh dưỡng trong tổ yến này không kém so với yến đảo.
Yến giả: Đây là các sản phẩm tổ yến giả hoặc được pha trộn từ các chất như rong biển, Gelatin bì heo, da cá, nấm, tảo,… rất tinh vi. Việc sử dụng những sản phẩm tổ yến giả này có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Đặc trưng nổi bật của tổ yến thật đó là sự chồng chéo, gắn liền nhau của nhiều lớp sợi trông như xơ mướp, các sợi yến đan xen vào nhau có thể tạo thành hình vòng cung.
Trong khi đó, tổ yến giả được làm từ hỗn hợp đường và tinh bột, vì vậy sợi yến trông không tự nhiên và không chân thực. Các sợi yến giả được đan xen vào nhau chặt chẽ và mềm mịn hơn rất nhiều so với tổ yến thật.

Ngoài ra có thể phân biệt yến thật, gả bằng các cách sau:
Nếm thử và kiểm tra vị ngọt của yến sào: Chỉ cần lấy 1 sợi yến nhỏ rồi tiến hành nếm thử. Nếu sợi yến không quá ngọt, cảm giác vị như lòng trắng trứng thì đó là yến thật. Nếu yến sào có vị ngọt thì chắc chắn đây là yến kém chất lượng đã được trộn đường vào để tạo độ kết dính.
Soi tổ yến dưới ánh nắng mặt trời: Yến sào thật trước ánh sáng mặt trời, sợi yến có màu trắng đục và ánh sáng xuyên qua được. Còn đối với yến sào giả khi đưa ra trước ánh sáng, sợi yến sẽ có hiện tượng phản quang và có màu trắng trong suốt.
Nhận biết qua độ nở của yến: Trung bình, tổ yến thật sẽ nở gấp 6 lần khi được ngâm trong nước. Khi chưng từ 30 đến 40 phút sau khi nở, sợi yến thật không bao giờ bị tan mất. Ngược lại, tổ yến giả, sau khi được xử lý, sẽ chỉ nở rất ít do đã bao phủ bởi các tạp chất nên bị chai sần và không thể nở.
Tác hại khi ăn yến giả
Có một sự thật rằng việc sử dụng yến giả trong thời gian đầu hầu như không có biểu hiện xấu về sức khỏe. Ăn yến có tẩm chất tẩy trắng không có nguồn gốc rõ ràng sẽ gây đau bụng.
Lâu dần sẽ làm tăng khả năng bị ung thư trong cơ thể. Minh chứng ở các chất độc đa phần là H202 – một chất độc bị cấm hoàn toàn trong thực phẩm.
Bên cạnh đó, yến giả có các tạp chất đã được các chuyên gia cảnh báo nguy cơ làm tổn thương thành dạ dày có thể dẫn đến ung thư thành ruột. Khi sử dụng lâu dần người tiêu dùng sẽ bị mắc các bệnh như suy gan, suy thận ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.