Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, Chi cục QLTT tỉnh Phú Thọ đã chuyển giao Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Phú Thọ vụ việc có dấu hiệu “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, tiếp tục điều tra vụ yến chưng không đạt chỉ tiêu chất lượng tại Công ty TNHH Yến sào Tuấn Dương & TKT.
Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn đã phát hiện và tạm giữ 23.468 sản phẩm yến chưng có dấu hiệu không đạt chất lượng so với bản tự công bố sản phẩm.
Đội QLTT số 7 đã tiến hành lấy 8 mẫu yến chưng tại công ty này để kiểm định chất lượng. Kết quả hàm lượng protein chỉ đạt từ 18% đến 58%, trong khi hàm lượng lipid chỉ đạt khoảng 3% so với mức đã công bố trên nhãn sản phẩm.
Qua đó, xác định toàn bộ 23.468 sản phẩm bị tạm giữ là hàng giả, với tổng trị giá vi phạm trên 900 triệu đồng.

Ăn phải yến giả hại sức khỏe ra sao?
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, tổ yến (yến sào) từ lâu đã được xem là loại thực phẩm quý, đặc biệt trong y học cổ truyền phương Đông.
Yến sào không chỉ là một món ăn ngon mà còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng vi lượng thiết yếu mà cơ thể con người không tổng hợp được, mang lại lợi ích cho nhiều nhóm tuổi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nên sử dụng, nhất là khi thị trường yến hiện nay có không ít hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng sức khỏe.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ phân tích, thành phần chính của yến sào là glycoprotein, canxi, natri, kali và carbohydrate. Yến sào có thể điều trị tình trạng suy dinh dưỡng, cải thiện tỷ lệ trao đổi chất, tăng cường hệ thống miễn dịch và trẻ hóa làn da.
Hơn nữa, trong nghiên cứu hiện đại, yến sào cũng thể hiện một số tác dụng như chống ung thư, chống lão hóa, làm tan đờm, giảm ho, chống lao, cải thiện giọng nói, chữa suy nhược cơ thể và suy nhược nói chung, đẩy nhanh quá trình phục hồi sau bệnh tật và phẫu thuật.
Protein là thành phần chính trong yến sào, thường được sử dụng để xây dựng các tế bào và mô, do đó thúc đẩy các chức năng trao đổi chất.
Ngoài hàm lượng protein, carbohydrate cũng là thành phần quan trọng trong yến sào. Carbohydrate có trong yến sào là axit sialic. Axit sialic tạo điều kiện cho sự phát triển của cấu trúc ganglioside trong não. Ngoài ra, yến sào còn chứa canxi, phốt pho, sắt, natri, kali, iốt và các axit amin thiết yếu...
Là thực phẩm bổ dưỡng, các sản phẩm từ yến được nhiều người ưa chuộng. Đây cũng là lý do các đối tượng làm giả sản phẩm, tuồn ra thị trường để trục lợi.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ nhấn mạnh, có một sự thật rằng việc sử dụng yến giả trong thời gian đầu hầu như không có biểu hiện xấu về sức khỏe.
Ăn yến có tẩm chất tẩy trắng không có nguồn gốc rõ ràng sẽ gây đau bụng. Lâu dần sẽ làm tăng khả năng bị ung thư trong cơ thể. Minh chứng ở các chất độc đa phần là H202 – một chất độc bị cấm hoàn toàn trong thực phẩm.
Bên cạnh đó, yến giả có các tạp chất đã được các chuyên gia cảnh báo nguy cơ làm tổn thương thành dạ dày dẫn đến ung thư thành ruột. Khi sử dụng lâu dần người tiêu dùng sẽ bị mắc các bệnh như suy gan, suy thận ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Theo Đông y, yến sào có vị ngọt, tính bình, không độc, lợi vào 3 kinh Phế, Vị và Thận. Có tác dụng tư âm nhuận phế, bổ tỳ ích khí; Chủ trị các chứng hư tổn (cơ thể suy yếu), ho, ho ra máu, hen suyễn, nôn ra máu, đau dạ dày, lỵ lâu ngày...
Yến thường được dùng làm thức ăn hay thuốc bổ dưỡng cho những người mới ốm dậy, cơ thể gầy yếu, người cao tuổi, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau sinh bị băng huyết; Hỗ trợ và điều trị bệnh đường hô hấp và tiêu hóa.