“Thiếu máu là hội chứng phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng 1,92 tỷ người, chiếm khoảng 24,8% dân số thế giới. Thiếu máu không phải một bệnh mà là hội chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nhau”, BSCKII Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết.
Ai cũng có thể thiếu máu
Mới đây, bệnh nhân P.T.N. 62 tuổi (Mạo Khê, Đông Triều) có các triệu chứng tưởng chừng rất thường gặp như mệt mỏi, chóng mặt do thiếu máu. Tuy nhiên, khi bệnh nhân tới bệnh viện làm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây thiếu máu thì phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn 3.
Trường hợp khác, chị N.T.Y (42 tuổi. Hà Nội) thường xuyên bị chóng mặt, đau đầu, tưởng do căng thẳng trong công việc và ngủ không ngon. Khi đi cấp cứu do tức ngực, kiểm tra tình trạng thiếu máu thì phát hiện mắc bệnh đa u tủy xương.
Các bác sĩ khoa Hóa trị, Can thiệp và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, nhiều người bệnh vẫn còn chủ quan với các biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi. Người bệnh thiếu máu nghĩ đơn giản bổ sung dinh dưỡng là đủ. Chỉ đến khi tình trạng không được cải thiện mới đi khám, khi đó bệnh đã trở nên rất phức tạp.

BSCKII Nguyễn Thị Thảo cho biết, thiếu máu là hội chứng phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng 1,92 tỷ người, chiếm khoảng 24,8% dân số thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới mô tả, thiếu máu là tình trạng nồng độ huyết sắc tố trong tế bào hồng cầu giảm xuống dưới 13g/dl đối với nam hoặc 12g/dl đối với nữ. Vì huyết sắc tố chịu trách nhiệm vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và tế bào khác nhau trong cơ thể nên bệnh nhân thiếu máu thường có các triệu chứng liên quan đến giảm oxy của các mô và tế bào.
Biến chứng thiếu máu khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, không đủ sức khỏe để thực hiện các hoạt động bình thường, chóng mặt, khó tập trung. Những người bị thiếu máu thường bị đau ngực, nhức đầu hoặc khó thở, da nhợt nhạt tái xanh.
Ngoài ra, thiếu máu cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Điều này là do cơ thể không đủ máu để nuôi dưỡng các cơ quan, làm suy giảm hệ thống miễn dịch – hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể.
Phụ nữ mang thai bị thiếu máu dễ gặp các biến chứng thai kỳ như sinh non, sảy thai, trầm cảm sau sinh, trẻ sinh ra chậm phát triển… Trẻ em bị thiếu máu có thể bị chậm tăng cân, kém phát triển, khó tiếp thu và ghi nhớ các bài học trên lớp.

Với trường hợp thiếu máu cấp tính, người bệnh có thể bị sốc giảm thể tích do xuất huyết đáng kể. Do thể tích máu giảm, tình trạng thiếu oxy ở mô có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương cơ quan đích. Người bệnh có thể bị suy tim, suy thận, suy hô hấp,… hoặc các tổn thương nội tạng khác.
Nếu không kịp thời điều trị, thiếu máu mạn tính nghiêm trọng hoặc thiếu máu cấp tính đều có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Nhiều loại ung thư biểu hiện thiếu máu
ThS.BS Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 30-90% người bị ung thư cũng bị thiếu máu. Thiếu máu đã được phát hiện là một yếu tố nguy cơ phát triển ung thư.
ThS.BS Tuấn phân tích, có một số bệnh ung thư có thể tấn công các tế bào máu, gây thiếu máu. Điều trị ung thư bằng hóa trị cũng có thể gây thiếu máu do làm chậm quá trình sản xuất các tế bào máu mới. Các nhà nghiên cứu cho thấy, thiếu máu và ung thư do đa yếu tố, có nghĩa là có nhiều hơn một lý do khiến một người bị ung thư có thể bị thiếu máu.
Tùy thuộc vào từng loại ung thư khác nhau mà nguyên nhân thiếu máu cũng khác nhau, nhưng đa phần có thể do một trong ba cơ chế sau: Ảnh hưởng trực tiếp của khối u như chảy máu do khối u, thay thế tủy xương; Ảnh hưởng của những chất phân giải từ khối u, ví dụ bệnh vi mạch huyết khối, sản xuất amyloid, ức chế tạo hồng cầu; Ảnh hưởng của việc điều trị, như ức chế tạo hồng cầu do xạ trị và/hoặc các tác nhân hóa trị liệu.

Một số loại ung thư phổ biến liên quan đến thiếu máu gồm:
Ung thư máu: Ảnh hưởng đến cách cơ thể sản xuất và sử dụng các tế bào hồng cầu bắt đầu trong tủy xương, gây ra sự phát triển bất thường của tế bào máu. Điều này làm giảm khả năng hoạt động bình thường của cơ thể, có thể gây chảy máu hoặc nhiễm trùng.
Ung thư xương: Các tế bào bất thường phát triển trong xương thành khối hoặc khối u, được gọi là sarcoma. Một số bệnh ung thư xương dường như có liên quan đến di truyền, tế bào máu đột biến, trong khi những bệnh khác có liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ trước đó, chẳng hạn như xạ trị cho các bệnh ung thư khác.
Ung thư cổ tử cung: Do sự phát triển bất thường của tế bào ở cổ tử cung thường gây ra chảy máu và thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.
Ung thư đại trực tràng: Do sự phát triển bất thường của các tế bào trong ruột già. Các tế bào này có thể hình thành các khối u trên hoặc bên trong các mạch máu trong trực tràng.
Những khối u này có thể dẫn đến chảy máu và mất các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, một trong những nguyên nhân phổ biến của bệnh thiếu máu. Nhiều người bị ung thư đại trực tràng bị chảy máu dẫn đến đi ngoài ra máu, suy nhược và mệt mỏi.
Thiếu máu do thiếu sắt có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư ruột kết ở một số bệnh nhân.
Ung thư tuyến tiền liệt: Những người bị ung thư tuyến tiền liệt đôi khi bị chảy máu từ tuyến tiền liệt, có thể xuất hiện như máu trong tinh dịch. Chảy máu và bất thường tế bào máu có thể gây ra thiếu máu...
Các chuyên gia khuyến cáo, đừng xem nhẹ những triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, sụt cân, chán ăn, đầy bụng, đặc biệt nếu kéo dài, xuất hiện đột ngột. Đi khám phát hiện bệnh sớm không chỉ giúp tăng khả năng điều trị thành công mà còn giảm chi phí, thời gian chữa trị.
Đặc biệt với bệnh nhân ung thư, thiếu máu có thể làm giảm khả năng hồi phục tổng thể của bệnh nhân sau quá trình điều trị. Đối với bệnh nhân ung thư lớn tuổi, khả năng thực hiện các hoạt động và công việc hàng ngày bị ảnh hưởng khi thiếu máu.
Do đó, những người bị ung thư nếu có chẩn đoán thiếu máu hoặc nguy cơ thiếu máu nên sớm có biện pháp ngăn ngừa, để đảm bảo số lượng hồng cầu trong ngưỡng bình thường.
Mặc dù không phải dạng thiếu máu nào cũng có thể phòng ngừa, nhưng vẫn có thể áp dụng một số biện pháp để hạn chế tối đa nguy cơ bị thiếu máu như:
Cách phòng tránh thiếu máu
-Thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát, trao đổi với bác sĩ trước khi mang thai để ngừa việc trẻ sinh ra bị thiếu máu do di truyền.
- Phụ nữ mang thai nên uống viên sắt để hạn chế việc thiếu máu trong thai kỳ.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ưu tiên thực phẩm giàu sắt, vitamin nhóm B, C.
- Duy trì lối sống khoa học, tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc quá sức.
- Hạn chế các thực phẩm làm bệnh nghiêm trọng hơn: Sôcôla, bắp rang bơ, trà, cà phê, rượu bia…