Cô gái trẻ suýt mất mạng vì sốc sốt xuất huyết Dengue

Nhờ được bác sĩ cấp cứu kịp thời, cô gái trẻ 21 tuổi ở Tây Ninh đã may mắn vượt qua cơn nguy kịch do sốc sốt xuất huyết Dengue thể nặng.

Theo Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, chỉ trong vài ngày, chị H.T. (21 tuổi, ở Tây Ninh) từ những triệu chứng tưởng chừng nhẹ như mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng âm ỉ… đã rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, đe dọa tính mạng.

Ban đầu, chị T. nghĩ mình chỉ bị rối loạn tiêu hóa và nhiễm siêu vi thông thường nên tự mua thuốc uống. Tuy nhiên, tình trạng không thuyên giảm, thậm chí chuyển nặng với cơn đau bụng dữ dội không đáp ứng với thuốc giảm đau, nôn ói liên tục, khiến cơ thể kiệt sức. Gia đình lập tức đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.

Sốt xuất huyết Dengue không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng sốt cao hay xuất huyết - Ảnh minh họa

Sốt xuất huyết Dengue không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng sốt cao hay xuất huyết - Ảnh minh họa

Tại Khoa Khám bệnh, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Dù không sốt cao, không có biểu hiện xuất huyết ngoài da, nhưng kết quả xét nghiệm ghi nhận tiểu cầu giảm còn 36.000/uL, men gan tăng cao, phù nề túi mật, tụ dịch ổ bụng và màng phổi lượng nhiều cho thấy tình trạng thoát dịch nặng.

Tình trạng lâm sàng bệnh nhân biểu hiện nặng như sốt, nôn ói nhiều lần, uống nước kém, đau tức bụng nhiều, huyết áp kẹt… nên nhanh chóng được làm các xét nghiệm chẩn đoán với kết quả NS1Ag dương tính.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội Tổng Quát để điều trị tích cực theo phác đồ có dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, bệnh chuyển biến sang sốc sốt xuất huyết Dengue, với hai lần tái sốc phải truyền tới cao phân tử và Albumin, đồng thời giảm tiểu cầu nặng gây xuất huyết dưới da, tăng men gan nặng, tình trạng thoát dịch nhiều, cô đặc máu cao.

Trong suốt quá trình điều trị, các bác sĩ đã theo dõi sát sao chỉ số sinh tồn, kiểm soát dịch truyền, chức năng gan thận và kịp thời xử lý các biến chứng.

Sau 9 ngày điều trị, chị T. dần hồi phục, các chỉ số sinh học ổn định và đã được xuất viện.

Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Ngọc Việt – Trưởng khoa Nội Tổng Quát cho biết: “Bệnh nhân T. là một trường hợp điển hình cho thấy sốt xuất huyết Dengue không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng sốt cao hay xuất huyết. Nhiều trường hợp khởi phát âm thầm với triệu chứng mơ hồ như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng…, khiến bệnh nhân chủ quan, tự điều trị tại nhà mà không biết rằng cơ thể đang bị bệnh nặng”.

Theo bác sĩ Việt, khó khăn nhất trong quá trình điều trị cho bệnh nhân T. là dù các bác sĩ đã nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo và điều trị sớm, nhưng bệnh nhân vào “sốc sớm” ở những ngày đầu với biểu hiện nặng: Thể trạng bệnh nhân yếu, nôn ói nhiều lần, tình trạng thoát dịch ra màng phổi và màng bụng lượng nhiều gây đau tức bụng, nôn ói, khó thở, tình trạng cô đặc máu cao và giảm tiểu cầu nặng. Sau khi ra sốc giai đoạn hồi phục bệnh nhân đối diện với tình trạng mệt khó thở do tái hấp thu dịch.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị. Nhiều trường hợp chuyển nặng gây tổn thương đa cơ quan: Có thể suy thận, viêm gan nặng, sốc sốt xuất huyết nặng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng… Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể nguy hiểm đe doạ tính mạng, và có thể tử vong.

Bệnh viện khuyến cáo người dân không nên chủ quan với các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Khi có biểu hiện như sốt, đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi không rõ nguyên nhân… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Đặc biệt, trong mùa cao điểm sốt xuất huyết, việc phòng ngừa muỗi đốt và nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố then chốt trong kiểm soát dịch bệnh.

Bé 9 tuổi sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan, suy hô hấp

Phải hết sức cảnh giác vì hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn còn rình rập, tấn công trẻ em cũng như người lớn. Nếu bé sốt cao kéo dài, kèm theo một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện.

Sau 3 ngày sốt đã nguy kịch

Ngày 22/4, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM) cho biết, vừa kịp thời cứu sống bé gái sốc sốt xuất huyết nặng, kèm theo rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng.

Sốt xuất huyết vào mùa, Bộ Y tế “nhắc” xử lý triệt để ổ dịch

Sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa, Bộ Y tế có công văn về việc tăng cường, phòng, chống sốt xuất huyết, xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tốt, hạn chế tử vong.

Ngày 17/4, Bộ Y tế cho biết, Cục phòng bệnh đã có văn về việc tăng cường, phòng, chống sốt xuất huyết bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bệnh gia tăng, diễn biến phức tạp

Cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết Dengue bùng phát

Dự báo năm 2025, sốt xuất huyết Dengue cùng các bệnh truyền nhiễm khác tiếp tục diễn biến phức tạp, trở thành thách thức lớn với y tế toàn cầu.

Nhiều năm qua, sốt xuất huyết Dengue đã không còn là bệnh của riêng mùa mưa. Theo thống kê từ Cục Phòng bệnh, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, TPHCM đã ghi nhận 4.213 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 125,3% so với cùng kỳ năm 2024, dù chưa vào mùa mưa. Tình hình miền Bắc nước ta cũng đáng báo động khi trong đợt rét đầu năm 2025, Hà Nội vẫn ghi nhận 137 ca mắc. Trước đó, năm 2023, Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết Dengue cao gấp đôi so với TP HCM – điều chưa từng xảy ra trong 40 năm.

Bên cạnh đó, vào thời điểm giao mùa, không chỉ sốt xuất huyết Dengue mà người dân còn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, như cúm và tay chân miệng.

Cụ thể, trong tháng 1/2025, Hà Nội ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng 51 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tính từ 24/2/2025 đến 2/3/2025, TP HCM ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng hơn 62% so với trung bình 4 tuần trước.

Nguy co sot xuat huyet Dengue bung phat
Ảnh minh hoạ/ Nguồn báo Đầu tư

Theo BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sốt xuất huyết diễn biến khó lường và phức tạp, có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Trong đó các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì…

Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê…

Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu. Người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ gây nguy hiểm tính mạng.

Theo PGS-TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam hiện đang lưu hành cả 4 tuýp huyết thanh virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, trong đó tuýp virus lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2. Tuýp DEN-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch. Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan do bệnh.

Được biết, hiện vắc xin sốt xuất huyết của Takeda được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam vào tháng 5/2024, dành cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn.

Vắc xin có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4) hiệu quả lên đến hơn 80%, ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Đặc biệt, vắc-xin có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến nghị việc tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết Dengue cần được tích hợp vào chiến lược kiểm soát bệnh tổng thể. Chiến lược này bao gồm kiểm soát vector, quản lý ca bệnh hiệu quả, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng. Trong đó, kiểm soát vector toàn diện vẫn giữ vai trò quan trọng, bởi loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue không chỉ gây nguy hiểm với virus Dengue mà còn lây lan các bệnh nguy hiểm khác.

Dự báo năm 2025, sốt xuất huyết Dengue cùng các bệnh truyền nhiễm khác tiếp tục diễn biến phức tạp, trở thành thách thức lớn với y tế toàn cầu. Việc kết hợp đồng bộ các biện pháp sẽ giúp giảm lây lan sốt xuất huyết Dengue, đồng thời đảm bảo hiệu quả và bền vững trong phòng chống dịch.