Bệnh thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý phổ biến trên toàn cầu, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở các nước đang phát triển. Mặc dù có thể gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính, nhưng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ cao nhất.
Tại thành phố Thủ Đức - một đô thị trẻ với số lượng lớn công nhân và sinh viên, thiếu máu thiếu sắt đang là vấn đề sức khỏe cần được quan tâm đặc biệt.
Theo thống kê từ Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện thành phố Thủ Đức, mỗi tháng ghi nhận khoảng hơn 50 ca mới được chẩn đoán mắc bệnh, chủ yếu ở mức độ nhẹ. Đáng chú ý, trong số các ca bệnh, phụ nữ độ tuổi 18-45 chiếm tới 50% - con số phản ánh đúng xu hướng chung về đối tượng dễ mắc bệnh trên thế giới.
![]() |
50% phụ nữ trẻ thiếu máu, thiếu sắt, hậu COVID-19 cần được quan tâm đúng mức. |
BSCKI. Bành Phúc Hậu, khoa Nội tổng hợp. Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết: “Nguyên nhân gia tăng bệnh chủ yếu do thói quen ăn kiêng không khoa học, rong kinh và các vấn đề phụ khoa ở nhóm phụ nữ trẻ. Đáng chú ý, xu hướng bệnh còn gia tăng ở nhóm người hậu COVID-19 do rối loạn hấp thu và suy nhược kéo dài”.
Thiếu máu thiếu sắt thường khởi phát âm thầm với các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, chóng mặt, khó tập trung. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể xuất hiện da xanh, niêm mạc nhợt, móng tay dễ gãy có hình thìa, tóc rụng nhiều, tim đập nhanh và khó thở khi gắng sức. Đặc biệt, một số trường hợp còn xuất hiện hội chứng pica - thèm ăn những thứ lạ như đất, đá.
Để chẩn đoán xác định, bác sĩ thường chỉ định các xét nghiệm như công thức máu để đánh giá mức độ thiếu máu, ferritin huyết thanh để kiểm tra dự trữ sắt và độ bão hòa transferrin (TSAT) để đánh giá khả năng vận chuyển sắt trong cơ thể.
Việc điều trị cần được cá thể hóa theo từng đối tượng, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần bổ sung 30-60mg sắt mỗi ngày kèm acid folic. Đối với người cao tuổi, cần được kiểm tra kỹ nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trước khi điều trị.
Để phòng ngừa hiệu quả, người dân cần xây dựng chế độ ăn cân bằng, tăng cường thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan, trứng và bổ sung vitamin C để tăng khả năng hấp thu sắt.
Nên tránh uống trà, cà phê ngay sau bữa ăn vì có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu sắt. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và người cao tuổi.
"Người dân không nên chủ quan với các dấu hiệu ban đầu của bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và cho con bú cần tuân thủ chế độ bổ sung sắt theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi có triệu chứng nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời", BS Phúc Hậu khuyến cáo.