Dầu ăn gia súc dùng cho người... tiềm ẩn nguy cơ ung thư

BSCKI Bùi Hoàng Bích Uyên cho biết, việc sử dụng dầu ăn chăn nuôi để chế biến thực phẩm cho người tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Mới đây, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã đăng tải thông tin vụ án sản xuất dầu ăn giả quy mô lớn. Nhãn hiệu dầu ăn Ofood của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food được rao bán rộng rãi trên thị trường với danh nghĩa dầu thực phẩm bổ sung vitamin A.

Tuy nhiên kết quả kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm hoàn toàn không chứa vitamin như công bố. Nghiêm trọng hơn, đây là loại dầu thực vật không đạt chuẩn an toàn thực phẩm, vốn chỉ dùng để chế biến thức ăn cho vật nuôi.

dau-an.jpg
Dầu đậu nành Ofood của Công ty Nhật Minh Food vừa được cơ quan chức năng xác định làm từ dầu ăn dành cho thức ăn chăn nuôi - Ảnh nguồn Internet

Mối nguy lớn khó nhận diện

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dầu ăn cho người và dầu dùng trong thức ăn chăn nuôi tuy đều được ép từ nguyên liệu thực vật như lạc, đậu tương, ngô… nhưng quá trình xử lý hoàn toàn khác nhau.

Dầu dùng cho người cần được tinh chế kỹ lưỡng để loại bỏ tạp chất và độc tố, đảm bảo độ tinh khiết và an toàn cho sức khỏe. Trong khi đó, dầu ăn cho thức ăn chăn nuôi chỉ được lọc sơ hoặc tinh chế ở mức cơ bản, chủ yếu để bảo quản và bổ sung chất béo cho vật nuôi như cá, gà, lợn, trâu, bò...

Ngược lại, con người cần thực phẩm sạch và được chế biến kỹ càng. Việc sử dụng dầu dành cho động vật để chế biến thức ăn cho người không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn là hành vi vi phạm pháp luật”, PGS Thịnh phân tích.

Điều đáng nói, dầu ăn dùng trong thức ăn chăn nuôi khi chế biến cho người thường không để lại dấu hiệu rõ ràng. “Con người không thể tự nhận biết qua mùi, vị hay màu sắc khi ăn phải dầu ăn cho thức ăn chăn nuôi.

Khác với thực phẩm ôi thiu có thể phát hiện bằng giác quan, loại dầu cho chăn nuôi khi bị đưa vào chế biến món ăn thường không để lại dấu hiệu rõ ràng. Nếu sử dụng lâu dài, loại dầu này có thể gây hại cho sức khỏe mà người dùng không hề hay biết”, PGS Thịnh chia sẻ.

BSCKI Bùi Hoàng Bích Uyên, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP HCM) cho biết, dầu ăn trong chăn nuôi là các loại dầu thực vật được sử dụng để bổ sung vào thức ăn cho vật nuôi. Các loại dầu này thường là dầu thô, mới ép, chưa qua tinh chế hoặc chưa kịp tinh chế. Vì vậy đây là loại dầu không đạt tiêu chuẩn để sử dụng cho con người về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, hoặc hàm lượng dinh dưỡng.

Dầu ăn trong chăn nuôi và dầu ăn cho người có sự khác biệt rõ rệt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và mục đích sử dụng. Sự khác biệt này là do cơ chế sinh học, sức chịu đựng của con người và vật nuôi khác nhau.

dau-an-6107.jpg
Khác biệt giữa dầu ăn cho người và dầu ăn trong chăn nuôi.

Theo BSCKI Bùi Hoàng Bích Uyên, về nguồn gốc, dầu ăn cho người phải là hạt, quả sạch, không mốc, không bị nhiễm độc tố, trong khi đó nguồn gốc dầu ăn cho động vật thường là hạt không đạt tiêu chuẩn, phụ phẩm của quá trình sản xuất dầu ăn cho người.

Về quá trình xử lý, dầu ăn cho người phải tinh luyện qua nhiều bước như khử mùi, màu, axit tự do, chất độc, trong khi đó đối với dầu ăn trong chăn nuôi có thể chỉ xử lý sơ bộ hoặc không tinh luyện, miễn đạt tiêu chuẩn thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra còn có một số tiêu chí so sánh có sự khác biệt giữa dầu ăn cho người và dầu ăn trong chăn nuôi qua độ tinh khiết, chỉ tiêu an toàn, kim loại nặng...

Gây nhiều bệnh nguy hại cho sức khỏe

Nói về tác hại của dầu ăn chăn nuôi chế biến thành dầu ăn cho người, PGS.TS Thịnh cho biết, dầu ăn cho thức ăn chăn nuôi nếu con người ăn phải có thể gây hại cho sức khỏe vì còn lẫn nhiều tạp chất. Điều này giống như ăn gạo còn lẫn thóc, dễ ảnh hưởng đến tiêu hóa.

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tác hại cụ thể của việc con người ăn nhầm dầu dành cho chăn nuôi. Tuy nhiên, loại dầu này rất khó tiêu hóa đối với cơ thể người, thậm chí có thể gây rối loạn chuyển hóa hoặc dẫn đến một số bệnh lý nếu sử dụng lâu dài.

PGS.TS Thịnh cũng cảnh báo, ngoài dầu thực vật thô, một loại dầu khác cũng được sử dụng trong chăn nuôi là dầu đã qua sử dụng – là loại dầu chiên rán nhiều lần tại các nhà hàng, khách sạn, sau đó được thu gom bán lại. Loại dầu này chứa nhiều hợp chất độc hại sinh ra trong quá trình đun nấu ở nhiệt độ cao, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới gan, thận, hệ thần kinh nếu con người tiêu thụ trong thời gian dài.

dau-an-cho-thuc-an-chan-nuoi2.jpg
Dầu đậu nành Ofood của Công ty Nhật Minh Food vừa được cơ quan chức năng xác định làm từ dầu ăn dành cho thức ăn chăn nuôi - Ảnh minh họa nguồn Internet

Theo BSCKI Bùi Hoàng Bích Uyên, việc sử dụng dầu ăn chăn nuôi để chế biến thực phẩm cho người là hành vi cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, bao gồm:

Gây ra các bệnh mạn tính và ung thư: Việc tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại trong dầu ăn chăn nuôi có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng.

"Nếu dầu ăn trên được ép từ các loại hạt không sạch, hạt mốc có thể có các chất độc hại cho cơ thể con người. Bởi aflatoxin là chất gây ung thư mạnh, đặc biệt là ung thư gan", BSCKI Hoàng Bích Uyên cho hay.

Các hợp chất độc hại như aflatoxin, acrylamide và polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) có thể hình thành trong dầu kém chất lượng hoặc dầu đã qua tái sử dụng nhiều lần, có khả năng gây đột biến tế bào, tăng nguy cơ ung thư (như ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt).

Suy gan, thận...: Một số tạp chất có thể tồn tại trong các loại dầu ăn chăn nuôi bao gồm kim loại nặng, các chất oxy hóa độc hại sinh ra do nhiệt như acrolein, aldehyde. Các kim loại nặng như chì, cadimi, thủy ngân có thể tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương nhiều cơ quan như thận, gan, hệ thần kinh và xương.

Bệnh tim mạch, đột quỵ: Dầu kém chất lượng có thể chứa nhiều chất béo xấu và các hợp chất oxy hóa, làm tăng mức cholesterol xấu (LDL) và giảm mức cholesterol tốt (HDL), gây nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, cao huyết áp và đột quỵ.

Rối loạn chuyển hóa: Thí nghiệm cho thấy chuột ăn dầu cọ đã chiên nhiều lần có mức men gan tăng cao, dấu hiệu của tổn thương gan. Những con chuột này cũng xuất hiện tình trạng kháng insulin, cho thấy dầu chiên lại có thể góp phần gây tiểu đường loại 2. Mặc dù đây là nghiên cứu về dầu chiên lại nhiều lần, nhưng dầu ăn dùng trong chăn nuôi vốn đã có chất lượng kém tương tự.

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và miễn dịch: Các chất cặn bã và tạp chất trong dầu có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột, dẫn đến viêm dạ dày, viêm ruột, khó tiêu. Ngoài ra, việc sử dụng dầu ăn kém chất lượng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và các bệnh mạn tính hơn.

“Việc tiêu thụ dầu ăn chăn nuôi là một nguy cơ tiềm tàng và nghiêm trọng cho sức khỏe con người, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức năng và sự cảnh giác của người tiêu dùng", BSCKI Uyên nhận định.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc sử dụng dầu ăn chăn nuôi chế thành thực phẩm cho người vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Cục khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là bếp ăn tập thể và đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cần yêu cầu nhà cung cấp làm rõ hồ sơ công bố, hồ sơ nguyên liệu của sản phẩm, không chỉ dựa vào bao bì, nhãn mác.

Cùng với đó, không sử dụng nguyên liệu không đúng mục đích công bố trong chế biến thực phẩm, kể cả khi có đủ hóa đơn, chứng từ.

Mọi hành vi cố tình sử dụng nguyên liệu không đúng với mục đích đã đăng ký để chế biến thực phẩm, đặc biệt trong trường hợp nguyên liệu không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, sẽ bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Biết gì về công ty "biến" dầu ăn gia súc dùng cho người?

Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food có trụ sở tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, do bà Đặng Thị Phương là Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật.

Mới đây, nhãn hiệu dầu ăn Ofood của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food bị phát hiện bán ra thị trường hàng chục nghìn tấn, dưới danh nghĩa dầu ăn cho người. Nhưng thực chất, đây là dầu thực vật dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Theo dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food (Công ty Nhật Minh Food) thành lập tháng 11/2018 với tên ban đầu là Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Minh Phương, có trụ sở tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Công ty Nhật Minh Food “hô biến” dầu ăn gia súc dùng cho người: “Mất” đạo đức, trục lợi 8.200 tỷ đồng… có bảo kê không trong sáng?

"Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food bán dầu ăn Ofood trong suốt nhiều năm, doanh thu của các doanh nghiệp trong đường dây sản xuất và tiêu thụ dầu ăn giả lên đến 8.200 tỷ, rõ ràng có sự buông lỏng của các cơ quan quản lý. Thậm chí, không loại trừ khả năng có sự chống lưng, nâng đỡ không trong sáng của tổ chức, cá nhân", Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống đều cho rằng, đó không chỉ là sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà còn là tội ác. Đồng thời đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến tiêu thụ.

0.jpg
Dầu Ofood được bán cho người dùng. Ảnh: VTV

Vụ biến dầu ăn chăn nuôi thành cho người, Bộ Y tế lên tiếng

Hàng chục nghìn tấn dầu ăn chăn nuôi đã bị phù phép thành dầu thực phẩm dành cho người. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo khẩn.

Tối 24/6, Cục An toàn thực phẩm phát đi cảnh báo khẩn sau khi phát hiện một số cơ sở sử dụng dầu ăn nhập khẩu dành cho thức ăn chăn nuôi để chế biến thực phẩm cho người.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trước thông tin một số cơ sở bị phát hiện sử dụng dầu ăn nhập khẩu với mục đích dành cho thức ăn chăn nuôi để sản xuất, chế biến thành dầu ăn cho người, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cảnh báo đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.