Gần đây, detox ruột bằng cà phê được nhiều người lăng xê như một phương pháp làm sạch cơ thể, giảm cân, trẻ hóa da. Thế nhưng, đằng sau những lời quảng cáo hấp dẫn ấy là hàng loạt cảnh báo y tế mà không phải ai cũng biết.
Chuyên gia tiêu hóa khuyến cáo, cơ thể không cần bất cứ liệu pháp detox ruột nào nếu vẫn khỏe mạnh. Việc lạm dụng cà phê detox có thể gây mất nước, rối loạn tiêu hóa, thậm chí dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho ruột và đại tràng.

Cơn sốt detox ruột bằng cà phê
“Làm sạch ruột, giảm cân, thải độc toàn thân” là những cụm từ thu hút hàng ngàn người tìm đến phương pháp detox ruột bằng cà phê. Thậm chí, nhiều spa, phòng khám chui còn mở dịch vụ “thụt tháo cà phê” với giá vài trăm đến vài triệu đồng/lần, kèm những lời cam kết: “Thải sạch phân cũ, làm nhẹ cơ thể, da sáng mịn”.
Trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các video hướng dẫn chi tiết cách tự pha cà phê và tự thụt tại nhà. Một số người còn chia sẻ “trải nghiệm detox” như một trào lưu, thu hút lượt xem và chia sẻ chóng mặt.
Detox bằng cà phê từ đâu ra?
Thực chất, phương pháp thụt cà phê detox không mới. Nó bắt nguồn từ những liệu pháp thải độc tự nhiên trong thuyết “y học tự nhiên” (naturopathy) ở phương Tây cách đây cả trăm năm. Một số phòng khám liệu pháp thay thế ở Mỹ từng ứng dụng thụt cà phê như một phần của liệu trình Gerson để hỗ trợ điều trị ung thư nhưng các nghiên cứu khoa học lớn sau này đã chỉ ra, phương pháp này không những không có lợi ích rõ rệt mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nguy cơ tiềm ẩn khi tự ý uống hoặc thụt cà phê detox
Theo các chuyên gia, bản thân cà phê có chứa caffeine chất kích thích nhu động ruột. Uống một lượng vừa đủ giúp lợi tiểu, kích thích ruột hoạt động. Tuy nhiên, khi lạm dụng với liều cao hoặc dùng cà phê để thụt hậu môn, niêm mạc ruột dễ bị tổn thương.
Một số rủi ro người dùng detox cà phê dễ gặp phải:
Mất nước, rối loạn điện giải: Việc kích thích đi ngoài nhiều lần làm mất nước, giảm kali máu, khiến cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, dễ ngất.
Viêm loét ruột, đại tràng: Cà phê có tính acid, bơm trực tiếp vào hậu môn có thể gây viêm loét niêm mạc ruột, thậm chí xuất huyết.
Nhiễm khuẩn, bội nhiễm: Dụng cụ thụt không vô trùng đúng cách dễ mang vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào đường ruột.
Gây nghiện cà phê: Uống lượng lớn cà phê mỗi ngày dễ gây phụ thuộc, mất ngủ, tim đập nhanh, rối loạn lo âu.
Cơ thể đã có cơ chế tự detox
Cơ thể con người đã có hệ thống bài tiết và thải độc rất hoàn chỉnh. Gan lọc máu, thận đào thải chất cặn bã qua nước tiểu, ruột già tự đào thải phân qua quá trình tiêu hóa tự nhiên. Nếu ruột già thực sự bẩn hay ứ độc tố thì đó đã là bệnh lý cần được bác sĩ điều trị chứ không thể giải quyết bằng các phương pháp detox dân gian, truyền miệng.
Muốn làm sạch ruột hãy bắt đầu bằng lối sống lành mạnh
Thay vì tìm đến detox ruột kiểu “cấp tốc”, các chuyên gia khuyến nghị, giữ đường ruột khỏe mạnh chỉ cần:
Ăn đủ chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên cám.
Uống đủ nước mỗi ngày (1,5 – 2 lít nước).
Hạn chế thức ăn nhanh, rượu bia, chất béo bão hòa.
Tập thể dục đều đặn để kích thích nhu động ruột tự nhiên.
Khám chuyên khoa nếu gặp rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Cà phê chỉ nên dùng đúng vai trò là giúp tỉnh táo, hưng phấn tinh thần. Đừng biến thức uống này thành thần dược detox ruột theo lời quảng cáo. Bởi độc tố thật sự đáng sợ đôi khi lại chính là niềm tin mù quáng vào những liệu pháp chưa được khoa học công nhận.