Trứng là thực phẩm giàu protein, có khả năng hỗ trợ giảm cholesterol dư thừa trong cơ thể, làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và tăng cảm giác no – rất phù hợp cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, không phải loại trứng nào cũng đều "ngon – bổ – rẻ" như chúng ta vẫn nghĩ.
Dưới đây là 3 loại trứng phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên hạn chế hoặc tránh sử dụng hoàn toàn để bảo vệ cơ thể lâu dài.
Trứng bị nứt vỏ - cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập
Trong quá trình vận chuyển, bảo quản, trứng rất dễ bị nứt vỏ – điều tưởng chừng vô hại nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Khi vỏ trứng nứt, màng bảo vệ bên trong cũng mất tác dụng, tạo điều kiện cho vi khuẩn từ môi trường xâm nhập và phát triển.

Ăn trứng bị nứt có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, đặc biệt nếu trứng không được nấu chín kỹ. Dù trứng có vẻ vẫn “tươi”, nếu thấy vỏ nứt hoặc có mùi lạ, tốt nhất không nên sử dụng.
Trứng ung - “kho chất độc” tiềm tàng
Trứng ung là loại trứng bị hỏng trong quá trình ấp do điều kiện môi trường không đảm bảo. Lúc này, vỏ trứng gần như không còn tác dụng bảo vệ, dẫn đến sự xâm nhập của hàng loạt vi khuẩn và sự phân hủy các thành phần bên trong.
Mặc dù một số người có thói quen ăn trứng ung và không thấy biểu hiện ngộ độc ngay, nhưng về lâu dài, độc tố từ trứng ung có thể tích tụ trong gan, gây ra các vấn đề như gan nhiễm mỡ, xơ gan hay suy giảm chức năng gan.

Biểu hiện thường gặp sau khi ăn trứng ung bao gồm: Chướng bụng, tiêu chảy, nôn mửa, sốt, đau cơ... Một số người còn có hơi thở nặng mùi do hợp chất H2S trong trứng sinh ra.
Đặc biệt, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh trứng ung có tác dụng tăng cường sinh lý như lời đồn đại. Vì vậy, việc sử dụng thực phẩm này là vô cùng rủi ro.
Trứng sống ẩn chứa vi khuẩn và chất chống hấp thụ dinh dưỡng
Nhiều người có thói quen ăn trứng sống hoặc đánh trứng sống vào cháo, canh nóng với suy nghĩ giữ nguyên dưỡng chất. Tuy nhiên, ăn trứng sống có thể gây hại nhiều hơn lợi.

Trong lòng trắng trứng sống có chứa men antitrypsin – chất ức chế enzyme tiêu hóa, khiến cơ thể khó hấp thụ protein. Đồng thời, protein avidin trong trứng sống kết hợp với biotin (vitamin H), tạo thành phức hợp bền vững, gây ra hiện tượng thiếu biotin nếu ăn kéo dài. Biểu hiện có thể là: viêm lưỡi, viêm da, rụng tóc, viêm kết mạc...
Ngoài ra, trứng sống có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella – tác nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến. Nguy cơ này càng cao nếu trứng không rõ nguồn gốc, hoặc được bảo quản kém vệ sinh.