10 việc nên làm phòng nguy cơ suy thận

Những năm gần đây, tình trạng suy thận đang có xu hướng trẻ hóa, trở thành mối lo ngại trong cộng đồng. Vậy cần làm gì để phòng nguy cơ suy thận?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận ở người trẻ, trong đó phần lớn liên quan trực tiếp đến lối sống hiện đại. Ăn mặn, uống ít nước, thường xuyên dùng thức ăn nhanh, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya và làm việc quá sức là những yếu tố âm thầm hủy hoại thận theo thời gian.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm không kê đơn trong thời gian dài, hoặc lạm dụng thực phẩm chức năng, thuốc đông y không rõ nguồn gốc cũng là một trong những tác nhân gây độc cho thận.

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ suy thận, người dân cần thực hiện tốt những điều sau đây:

Kiểm soát tốt đường huyết

Các chuyên gia đánh giá đái tháo đường là nguyên nhân suy thận hàng đầu. Điều này chủ yếu liên quan đến mức đường huyết tăng cao bất thường.

Hàm lượng đường trong máu cao khiến mao mạch bị tắc nghẽn, gây cản trở cho quá trình lưu thông của hồng cầu. Từ đó, thận sẽ không thể nhận đủ chất dinh dưỡng cũng như oxy để tiếp tục hoạt động. Tình trạng này kéo dài rất dễ dẫn đến suy thận. Ngoài ra, tắc nghẽn mạch máu còn là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, một nguyên nhân suy thận thường gặp khác.

Xây dựng một lối sống lành mạnh là biện pháp đơn giản cũng như hiệu quả nhất để kiểm soát tốt mức đường huyết.

Ảnh minh hoạ/Internet

Cẩn thận với chỉ số huyết áp

Khi áp lực máu tăng cao, các mao mạch có xu hướng phình lên. Nếu giãn nở quá mức, mạch máu có thể vỡ và gây xuất huyết.

Ở người bệnh tăng huyết áp, bất kỳ mao mạch nào cũng có nguy cơ chịu thương tổn, bao gồm cả những mạch máu ở thận. Khi tình trạng này phát sinh, thận có thể ngưng công việc lọc thải độc tố và loại bỏ nước dư thừa. Sau đó, sự tích tụ của hai thành phần này lại tiếp tục cản trở hồng cầu lưu thông, khiến huyết áp tăng lên.

Kiểm soát cân nặng

Ngày nay, không ít nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa béo phì và nguy cơ phát triển suy thận.

Mặc dù cơ chế gây suy giảm chức năng thận của tình trạng thừa cân vẫn chưa được kết luận rõ ràng, nhưng các chuyên gia đã chứng minh vấn đề sức khỏe này là yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp và đái tháo đường, hai nguyên nhân suy thận hàng đầu.

Vì vậy, để phòng ngừa suy thận phát sinh, bạn nên thường xuyên để ý đến cân nặng của mình. Nếu bạn có xu hướng béo phì, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ về một liệu pháp giảm cân an toàn.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý

Một chế độ dinh dưỡng khoa học cũng có thể trở thành biện pháp phòng ngừa suy thận hiệu quả nếu bạn biết cách áp dụng. Giảm lượng muối, đạm và dầu mỡ nạp vào cơ thể trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, bạn cũng nên bổ sung thêm các thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như các loại rau, củ, quả có lợi cho sức khỏe.

Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, sự góp mặt của những loại thực phẩm sau đây có khả năng tăng cường sức khỏe lâu dài cho tim mạch cũng như thận, bao gồm: Rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, sữa ít béo và các sản phẩm làm từ nó, cá, quả hạch, thịt gia cầm...

Ngoài ra, nên ăn cá ít nhất hai lần mỗi tuần, đặc biệt là loại cá béo giàu omega-3, tránh xa thực phẩm cũng như thức uống chứa nhiều đường, hạn chế uống bia rượu.... Lượng rau xanh và trái cây nên chiếm một nửa khẩu phần ăn,

Giảm lượng muối hấp thụ

Muối là gia vị vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người, có thể xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm hoặc được thêm vào trong quá trình chế biến món ăn.

Sự góp mặt của muối giúp bạn cảm thấy ngon miệng khi ăn. Tuy nhiên, hấp thụ quá nhiều muối có nguy cơ khiến nước bị tích tụ trong cơ thể, từ đó gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ phát sinh những vấn đề liên quan đến tim mạch cũng như thận.

Vì vậy, khi nói đến cách phòng ngừa suy thận, không ít người đề cập đến biện pháp cắt giảm muối trong khẩu phần ăn hằng ngày. Thay vào đó, nếu bạn cảm thấy nhạt khi không sử dụng muối, hãy thử thay thế với những gia vị từ thảo mộc khác như nghệ, quế…

Uống đủ nước

Mất nước khiến giảm lưu lượng máu đến thận, có thể làm suy giảm chức năng của thận. Do đó, uống đủ nước là một trong những thói quen tốt cho thận nói riêng và cơ thể nói chung mà luôn được bác sĩ khuyến khích thực hiện.

Ảnh minh họa/Internet

Giảm căng thẳng

Căng thẳng và lo lắng là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thận.

Để giảm căng thẳng, nên thường xuyên hoạt động thể chất, cắt giảm caffeine, viết nhật ký, dành thời gian cho người thân và bạn bè, cười nhiều hơn, tham gia các khóa yoga, thiền...

Rèn luyện thể thao

Tập luyện các môn thể thao thường xuyên có thể giúp giảm căng thẳng, kiểm soát lượng đường huyết và huyết áp cao, đồng thời duy trì cân nặng hợp lý. Bạn nên chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình như bơi lội, đi bộ và chạy...

Tránh lạm dụng thuốc không kê đơn

Lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc sai chỉ định của bác sĩ là tác nhân điển hình gây tổn hại cho sức khỏe của bạn. Đặc biệt, việc uống thuốc quá liều rất dễ gây suy giảm chức năng thận.

Ví dụ cụ thể nhất là nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs): ở liều cao, các loại thuốc như aspirin, ibuprofen và naproxen đều có nguy cơ làm cắt giảm lưu lượng máu đến thận.

Khám sức khỏe định kỳ

Không ít bạn trẻ hiện nay có thói quen chủ quan với sức khỏe, ít khi đi khám bệnh định kỳ. Họ thường chỉ đến bệnh viện khi đã có triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, phù tay chân, tiểu ít, tiểu đêm nhiều, cao huyết áp, chán ăn, buồn nôn… Trong khi đó, thận là cơ quan có khả năng bù trừ rất lớn, nên các dấu hiệu ban đầu thường rất mờ nhạt và dễ bị bỏ qua.

Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, nên khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần hoặc ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu thận bị suy giảm chức năng để có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời.

Ăn mặn gây nhiều tác hại với sức khoẻ

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc làm dụng ăn mặn dưới mọi hình thức trong bữa ăn là nguy cơ dẫn đến suy các cơ quan như tim, thận.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ăn mặn là tác nhân gây ra 62% các ca tai biến mạch máu não và 49% các ca nhồi máu cơ tim. Thống kê tại các bệnh viện ở TP HCM, mỗi tháng, tại đây phải tiếp nhận hàng chục ca cấp cứu liên quan đến tim mạch, trong đó không ít trường hợp bệnh nhân thừa nhận đã có thói quen ăn mặn từ hàng chục năm nay.

Khi tiêu thụ quá nhiều muối, lượng Natri dư thừa bên trong cơ thể gây ra sự mất cân bằng nước – điện giải và các chức năng cơ bản của cơ thể. Tình trạng này kéo dài không chỉ làm suy giảm chức năng các cơ quan mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng.

Vì sao người suy thận không nên ăn chuối?

Chuối có hàm lượng kali cao. Người bị bệnh thận ăn nhiều chuối có thể khiến triệu chứng thêm nặng.

Chuối là loại trái cây có giá trị sử dụng cao. Một quả chuối kích cỡ trung bình chứa 422 miligam kali. Đây là chất điện giải thiết yếu, đóng vai trò quan trọng giúp duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể, đảm bảo cơ bắp và dây thần kinh hoạt động tối ưu. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh thận, khả năng điều hòa và bài tiết kali ra khỏi cơ thể sẽ bị suy giảm.

Do đó, nạp quá nhiều kali có thể dẫn đến tình trạng gọi là tăng kali máu, đặc trưng bởi nồng độ kali trong máu tăng cao vượt mức bình thường. Các triệu chứng thường gặp của tăng kali máu là mệt mỏi, suy nhược, nhịp tim không đều, buồn nôn, khó thở và xuất hiện cảm giác tê ngứa.

Ngân Hòa xin ngừng nhận hỗ trợ chi phí điều trị bệnh

Ngân Hòa xin ngừng nhận hỗ trợ sau khi được mạnh thường quân ủng hộ đủ chi phí điều trị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.

Mới đây, một người bạn thân cho biết, diễn viên Ngân Hòa bị suy thận mạn giai đoạn cuối, gặp khó khăn về kinh tế. “Chi phí cho ca phẫu thuật ghép thận là một con số rất lớn, vượt quá khả năng tài chính của Hòa và gia đình, dù mọi người đã cố gắng xoay xở khắp nơi.

Vì vậy, hôm nay em xin đại diện để gửi lời kêu gọi sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng, dù là một sự chia sẻ nhỏ nhất, cũng là niềm hy vọng lớn đối với Hòa lúc này”, bạn thân Ngân Hòa chia sẻ trên trang cá nhân. Nhanh chóng, nhiều mạnh thường quân giúp đỡ Ngân Hòa. Hiện tại, phía nữ diễn viên xin ngừng nhận hỗ trợ.