Vụ 6 người ngộ độc rượu: 1 người đã tử vong

Liên quan đến vụ ngộ độc rượu khiến 6 người phải nhập viện cấp cứu, chiều 1/4, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh thông tin, nạn nhân P.N.Q.K. (25 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) đã tử vong.

Trước đó, 8h sáng ngày 1/4, bệnh nhân P.N.Q.K vẫn hôn mê sâu, có biểu hiện lâm sàng chết não. Kết quả đo điện não thấy sóng chậm lan tỏa, không đáp ứng kích thích, phù hợp với tình trạng chết não. Chụp MRI não cho thấy tổn thương não lan tỏa, phù não, nghi ngờ tụt hạnh nhân tiểu não.
Ê-kíp điều trị đã hội chẩn cùng chuyên khoa Nội Thần kinh, Hồi sức cấp cứu (ICU), Chẩn đoán hình ảnh, đều thống nhất không có khả năng cứu chữa, tiên lượng tử vong. Đến 14h38 ngày 1/4, nạn nhân tử vong với chẩn đoán nguyên nhân do ngộ độc methanol mức độ nặng, biến chứng toan chuyển hóa, tổn thương đa tạng, phù não lan tỏa gây tụt não, truỵ hô hấp tuần hoàn.
Vu 6 nguoi ngo doc ruou: 1 nguoi da tu vong
Các bệnh nhân nghi ngộ độc rượu đang được điều trị tại Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM /Ảnh sggp.vn
Trước đó, ngày 30/3, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 6 trường hợp từ Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) nghi ngộ độc rượu. Các nạn nhân bao gồm: Đ.T.Đ. (28 tuổi), T.H.T. (41 tuổi), P.V.T.B. (50 tuổi), B.V.Đ. (51 tuổi), Đ.V.L. (51 tuổi) và P.N.Q.K. (25 tuổi). Trong số 6 người được chuyển đến, có 2 trường hợp đã rơi vào hôn mê, phải đặt nội khí quản, thở máy.
Sau khi được điều trị tích cực, nạn nhân P.N.Q.K. (25 tuổi) vẫn hôn mê, nạn nhân B.V.Đ (51 tuổi) tiến triển tốt, tỉnh táo, sinh hiệu ổn, mức độ toan máu được giải quyết. 4 trường hợp nhẹ hơn đã hồi phục, xét nghiệm cho thấy đã loại trừ được độc tố ra khỏi máu.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, các nạn nhân đều có nồng độ methanol cao vượt ngưỡng đo trên 100 mg/dL. Do đó, các bác sĩ kết luận tất cả 6 nạn nhân đều rơi vào tình trạng ngộ độc methanol rất nặng. May mắn, việc đưa cả 6 nạn nhân đi cấp cứu kịp thời đã giúp 5 nạn nhân thoát nạn, riêng trường hợp nạn nhân P.N.Q.K. thì không qua khỏi do quá nặng.
“Nếu chậm khoảng 2-3 giờ nữa mới được lọc máu cấp cứu thì tình trạng của 5 bệnh nhân còn lại có thể đã nặng hơn rất nhiều, có khả năng nguy hại đến tính mạng”, bác sĩ Hùng cho biết.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng khuyến cáo người dân nên chọn rượu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau uống rượu nếu có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đặc biệt là mờ mắt, hoa mắt, cảm giác như nhìn thấy màn sương cần nghĩ ngay đến ngộ độc methanol và đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để kịp thời cứu chữa.
Liên quan đến vụ việc, Bộ Y tế đề nghị 3 địa phương là TP HCM, Tiền Giang và Ninh Thuận phối hợp khẩn trương làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm vụ 6 du khách nghi bị ngộ độc khi uống một loại rượu ngâm trái cây. 
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở An toàn thực phẩm TP HCM, Sở Y tế 2 tỉnh Ninh Thuận và Tiền Giang về việc điều tra, xử lý vụ việc 6 du khách nghi bị ngộ độc khi uống một loại rượu ngâm trái cây được sản xuất tại tỉnh Tiền Giang. 
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP HCM phối hợp với Sở Y tế TP HCM chỉ đạo đơn vị điều trị tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng; điều tra về lịch sử ăn uống của bệnh nhân, thu thập kết quả xét nghiệm, điều trị của bệnh viện gửi Sở Y tế tỉnh Tiền Giang để phối hợp.
Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận điều tra các cơ sở ăn uống liên quan đến các bữa ăn nghi ngờ của bệnh nhân để cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc thực phẩm; phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TP HCM, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận trong chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc thực phẩm; phối hợp với Sở Công thương tỉnh Tiền Giang và các cơ quan chức năng trên địa bàn truy xuất tận cùng nguồn gốc, dừng lưu thông ngay sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định (nếu có).

Người đàn ông tử vong sau uống rượu, ngộ độc Methanol nguy hiểm sao?

Ngộ độc rượu methanol gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người uống.

Hôn mê sâu, đồng tử giãn, nhiễm toan chuyển hóa nặng,.. sau chầu nhậu

Dịch sởi nghiêm trọng nhất trong nhiều năm tại Mỹ

Số ca mắc sởi tại Mỹ đã vượt tổng số ca của cả năm ngoái, nguy cơ dịch kéo dài tới năm 2026 nếu không kiểm soát hiệu quả.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến cuối tuần qua, dịch sởi đã lan rộng tại 20 bang, ghi nhận 483 ca mắc và ít nhất 2 trường hợp tử vong. Đây là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua tại Mỹ.

Số ca nhiễm trong ba tháng đầu năm đã vượt tổng số ca mắc của cả năm ngoái. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, dịch có thể tiếp tục lan rộng sang các bang khác và kéo dài đến năm 2026.

Texas là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là khu vực phía Tây bang này. Riêng trong tuần qua, bang Texas đã ghi nhận thêm 73 ca mắc mới. Một số bang khác như New Mexico, Kansas, Oklahoma và Ohio cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể các ca mắc.

Dich soi nghiem trong nhat trong nhieu nam tai My
 Ảnh minh hoạ/Báo Nhân dân

Theo CDC, nguyên nhân chính dẫn đến đợt bùng phát lần này là do tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm. Trong vòng 5 năm vừa qua, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMR) cho trẻ mẫu giáo tại Mỹ đã giảm từ 95,2% xuống còn 92,7%, tương đương với khoảng 280.000 trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và có nguy cơ cao mắc sởi.

Các chuyên gia y tế Mỹ khẳng định, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa dịch sởi. Một liều vắc xin có thể giúp bảo vệ khoảng 90% khỏi nguy cơ lây nhiễm, trong khi hai liều đạt hiệu quả lên đến 97%. Nếu đạt được tỷ lệ tiêm chủng từ 90 - 95%, miễn dịch cộng đồng sẽ được thiết lập và dịch bệnh có thể được kiểm soát.

Trước tình hình phức tạp, các cơ quan y tế Mỹ đang đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, số ca mắc sởi đang gia tăng mạnh tại nhiều tỉnh, thành trong quý I/2025, cao hơn cùng kỳ năm 2024, kèm theo một số ca tử vong. Trước tình hình này, bộ đã có văn bản khẩn yêu cầu các cơ sở y tế trên toàn quốc tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm bệnh sởi.