Sai lầm thường gặp khi chăm sóc người sốt siêu vi

Sốt siêu vi thường tự khỏi nhưng dễ gây lo lắng nếu chăm sóc sai cách. Hiểu đúng cách xử lý tại nhà sẽ giúp người bệnh mau khỏe, tránh biến chứng.


Sốt siêu vi là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ nhỏ và cả người lớn, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi thất thường. Bệnh thường không quá nguy hiểm, nhưng nếu không được chăm sóc và xử lý đúng cách, sốt siêu vi có thể gây ra nhiều biến chứng không mong muốn, khiến gia đình lo lắng, tốn kém thời gian và chi phí điều trị.

Nhiều bậc phụ huynh và người chăm sóc vẫn còn lúng túng khi người thân bị sốt cao kéo dài, tự ý cho uống nhiều loại thuốc hoặc dùng kháng sinh không cần thiết. Điều này không những không giúp bệnh mau khỏi mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vậy sốt siêu vi thực sự là gì, khi nào cần điều trị tại nhà, khi nào phải đưa đến bệnh viện?

3.jpg
Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Sốt siêu vi là gì?

Sốt siêu vi, hay còn gọi là sốt virus, là tình trạng cơ thể phản ứng với sự xâm nhập của các loại virus thông thường. Một số loại virus thường gây ra sốt siêu vi gồm: virus cúm (Influenza), Adenovirus, Enterovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV)…

Bệnh có thể lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, nước bọt, ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người bệnh. Vì thế, sốt siêu vi thường bùng phát thành dịch, nhất là ở trẻ em, người có sức đề kháng yếu.

Triệu chứng thường gặp của sốt siêu vi

Sốt cao đột ngột: Nhiệt độ thường trên 38,5°C, có thể lên đến 39–40°C.

Đau mỏi toàn thân: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đau nhức bắp cơ.

Ho, sổ mũi: Một số loại virus kèm theo triệu chứng đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi.

Đau họng: Viêm họng nhẹ, đau rát khi nuốt.

Rối loạn tiêu hóa: Một số trường hợp (nhất là trẻ nhỏ) có thể nôn ói, tiêu chảy nhẹ.

Phát ban: Một số loại virus như virus sởi, Rubella có thể gây nổi ban đỏ trên da.

Thông thường, các triệu chứng sẽ thuyên giảm và tự khỏi trong vòng 5–7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách.

Chăm sóc tại nhà sao cho đúng?

Đa số trường hợp sốt siêu vi có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà. Nguyên tắc quan trọng là: Hạ sốt – bù nước – nghỉ ngơi – theo dõi sát sao.

Hạ sốt an toàn, đúng cách

Dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo liều lượng khuyến cáo: 10–15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 4–6 giờ, tối đa 4 lần/ngày.

Không tự ý dùng nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau cùng lúc.

Kết hợp lau mát cơ thể bằng nước ấm, đặc biệt ở các vị trí nách, bẹn, trán. Không dùng nước lạnh hay rượu, cồn để lau.

Mặc quần áo mỏng, thoáng, không quấn chăn dày khi trẻ sốt cao.

Bổ sung đủ nước và chất điện giải

Cho người bệnh uống nhiều nước lọc, nước ấm.

Có thể dùng dung dịch bù điện giải (oresol) đúng cách.

Uống nước ép hoa quả (cam, chanh…) để tăng sức đề kháng.

Với trẻ nhỏ, có thể cho bú nhiều lần hơn, uống sữa ấm, súp loãng.

Ăn uống đủ dinh dưỡng

Chia nhỏ bữa ăn, ưu tiên thức ăn lỏng, dễ tiêu (cháo, súp, phở…).

Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu.

Tuyệt đối không ép ăn khi người bệnh đang mệt, buồn nôn.

Nghỉ ngơi và vệ sinh cá nhân

Nghỉ ngơi tại phòng thoáng khí, sạch sẽ, tránh gió lùa trực tiếp.

Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý.

Giữ tay sạch sẽ, tránh lây chéo virus cho người khác.

Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc người sốt siêu vi

Tự ý dùng kháng sinh: Nhiều người nghĩ sốt phải uống kháng sinh mới nhanh khỏi, nhưng thực tế kháng sinh không diệt được virus. Việc dùng kháng sinh bừa bãi chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, hại gan thận.

Đắp lá, đắp chăn quá kín: Nhiều phụ huynh sợ con lạnh nên ủ kín, đắp lá dân gian mà không biết điều này có thể làm nhiệt độ cơ thể càng tăng cao, dẫn đến co giật.

Không theo dõi sát sao: Nhiều trường hợp thấy hạ sốt tạm thời là chủ quan, không chú ý dấu hiệu bất thường để đưa đi viện kịp thời.

Khi nào cần đưa đến bệnh viện?

Dù đa số sốt siêu vi sẽ tự khỏi, nhưng hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế nếu:

Sốt cao liên tục > 39°C, không hạ dù đã dùng thuốc đúng liều.

Co giật, lơ mơ, mê sảng, bỏ bú/bỏ ăn hoàn toàn.

Thở mệt, thở nhanh, khó thở, tím tái môi, đầu chi.

Nôn ói liên tục, tiêu chảy nhiều gây mất nước.

Phát ban kèm sốt cao không rõ nguyên nhân.

Phòng tránh sốt siêu vi

Tiêm phòng đầy đủ các vắc-xin cúm mùa, sởi, Rubella...
Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng.
Đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
Tránh tiếp xúc với người đang bị sốt, cúm.
Bổ sung dinh dưỡng cân đối, uống đủ nước, tăng cường vận động để nâng cao sức đề kháng.

Lời khuyên từ chuyên gia

Sốt siêu vi rất phổ biến nhưng không nên chủ quan. Việc chăm sóc đúng, hạ sốt an toàn, theo dõi sát tình trạng của trẻ sẽ giúp bệnh mau khỏi, tránh biến chứng không đáng có. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định. Nếu trẻ sốt cao, mệt mỏi nhiều, kém ăn, kèm dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa đi khám sớm.

Hà Nội ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết trong tuần qua

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 34 ca sốt xuất huyết tại 16 xã, phường, tăng 13 ca so với tuần trước.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), trong tuần từ 4/7 đến 11/7, toàn thành phố ghi nhận 34 ca mắc sốt xuất huyết tại 16 xã, phường, tăng 13 ca so với tuần trước.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm, Hà Nội đã có 365 ca mắc sốt xuất huyết và 7 ổ dịch, hiện còn 4 ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Tây Hồ (2), phường Phú Xuyên (1), xã Hát Môn (1).

TP HCM dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo Sở Y tế TP HCM, đến thời điểm này, tình hình sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng tại nhiều địa phương.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trong tuần 27 (từ ngày 30/6 đến 6/7/2025) thành phố đã ghi nhận 838 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 43 ca so với tuần trước.

Trong đó riêng khu vực TP HCM (cũ) có 704 ca sốt xuất huyết, tăng gần 39% so trung bình bốn tuần trước. Các địa phương sáp nhập từ tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu cũ cũng ghi nhận số ca tăng nhưng chưa đáng kể.

Hà Tĩnh ghi nhận ca sốt rét ngoại lai

Mới đây, trên địa bàn thôn Song Yên, xã Thiên Cầm, Hà Tĩnh ghi nhận trường hợp mắc sốt rét ngoại lai. 

Trên địa bàn thôn Song Yên, xã Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh vừa ghi nhận 1 trường hợp mắc sốt rét. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC) đã khẩn trương thành lập đoàn công tác trực tiếp làm việc với chính quyền xã, Trạm Y tế về các biện pháp xử lý ổ bệnh. Đây là ca bệnh ngoại lai thứ 6 của năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Sau khi ghi nhận ca sốt rét ngoại lai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) đã làm việc với chính quyền địa phương, tổ chức điều tra, giám sát, xử lý môi trường khu vực bệnh nhân sinh sống.