Trong quan niệm của không ít người, truyền dịch là giải pháp nhanh nhất để bổ sung sức khỏe, nhất là khi cơ thể suy nhược, sốt cao, mệt mỏi, say rượu hay cần giải độc. Thậm chí, một số người còn coi truyền dịch như một dịch vụ làm đẹp, rỉ tai nhau về những gói “truyền trắng”, “truyền vitamin C”, “truyền glutathione”...

Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết dịch truyền thực chất là thuốc, mỗi loại dịch chứa thành phần khác nhau, có liều lượng và chỉ định cụ thể. Dịch truyền không thể tùy tiện dùng như nước lọc hay thức uống bù khoáng. Truyền sai loại, sai liều, sai tốc độ hoặc không kiểm soát được phản ứng phụ có thể gây tai biến nghiêm trọng.
Những tai biến đáng sợ từ việc tự truyền dịch
Theo chuyên gia, nguy cơ nguy hiểm nhất của truyền dịch là sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả khi người bệnh đã từng truyền dịch trước đó mà không có phản ứng gì. Nếu không phát hiện và xử lý kịp, sốc phản vệ có thể khiến bệnh nhân tụt huyết áp, suy hô hấp, trụy tim mạch, dẫn đến tử vong trong vài phút.
Ngoài ra, truyền dịch quá nhanh hoặc quá nhiều có thể gây phù phổi cấp là một tình trạng đe dọa tính mạng. Đặc biệt, với người mắc bệnh tim mạch, suy thận, truyền dịch không kiểm soát có thể làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.
Một biến chứng khác là nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, C, HIV nếu kim tiêm, dây truyền không đảm bảo vô trùng. Tại các cơ sở y tế uy tín, dụng cụ y tế luôn được khử khuẩn và thay mới theo quy định. Nhưng tại các dịch vụ truyền dịch chui không ít trường hợp dùng lại kim tiêm hoặc không tiệt trùng kỹ, dẫn đến hậu quả khó lường.
Nở rộ các dịch vụ “truyền dịch tận nhà”: Tiện lợi hay mạo hiểm?
Nhiều người ngại chờ đợi ở bệnh viện, nên dễ bị hấp dẫn bởi quảng cáo “truyền dịch tại nhà”, “truyền dịch phục hồi sức khỏe” hoặc “truyền trắng da”. Thậm chí, một số spa, thẩm mỹ viện cũng chào mời dịch vụ này như một hình thức “làm đẹp nhanh” mà không cần đến bệnh viện.
Trên thực tế, việc tiêm truyền chỉ được phép thực hiện bởi bác sĩ hoặc điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề, trong điều kiện đảm bảo vô trùng và có đầy đủ trang thiết bị xử trí sốc, cấp cứu nếu có sự cố xảy ra. Bất kỳ hành vi truyền dịch không phép hoặc truyền bởi người không đủ chuyên môn đều vi phạm quy định của Bộ Y tế, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người bệnh.
Truyền dịch khi nào mới thực sự cần thiết?
Truyền dịch được chỉ định khi cơ thể mất nước, mất điện giải mà không thể bù qua đường uống, chẳng hạn như: Tiêu chảy nặng, sốt cao kéo dài, mất máu, phẫu thuật, bệnh nhân hôn mê, bỏng diện rộng hoặc suy kiệt nghiêm trọng. Trường hợp cảm cúm nhẹ, mệt mỏi thông thường, say rượu nhẹ… hoàn toàn có thể bù nước, bù điện giải qua đường uống.
Không phải cứ mệt là truyền dịch. Nhiều người có thói quen mời y tá tư hoặc dịch vụ không phép đến truyền dịch, coi đó là cách hồi phục nhanh. Điều này rất nguy hiểm vì không ai biết trước cơ địa mỗi người có dị ứng với thành phần nào, phản ứng ra sao nếu truyền nhanh hoặc sai loại dịch.
Làm gì khi muốn bù nước, bù sức khỏe an toàn?
Cách tốt nhất để bù nước khi mệt mỏi là uống nhiều nước lọc, nước oresol pha đúng hướng dẫn hoặc nước trái cây, nước điện giải. Nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể phục hồi tự nhiên. Nếu tình trạng mệt kéo dài, không cải thiện, hãy đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, xác định nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Đặc biệt, người dân không nên tin vào các lời mời chào “truyền dịch đẹp da”, “truyền vitamin làm trắng” trôi nổi trên mạng. Hiện nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu y học uy tín nào chứng minh hiệu quả làm trắng da nhờ truyền dịch. Việc đưa các chất lạ trực tiếp vào máu có thể gây dị ứng, sốc phản vệ bất cứ lúc nào.
Truyền dịch là một can thiệp y tế quan trọng nhưng tiềm ẩn rủi ro nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Mọi hành vi tự ý truyền dịch tại nhà, truyền dịch theo phong trào hoặc nghe lời quảng cáo thiếu căn cứ đều có thể biến một chai nước biển tưởng như vô hại thành mối nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.
Vì vậy, thay vì tin vào các dịch vụ tiện lợi nhưng rủi ro cao, hãy lựa chọn thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và chăm sóc sức khỏe đúng cách, khoa học.