Tai biến mạch máu não là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới với tỷ lệ mắc ngày càng cao, có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây.
Gần đây, bệnh nhân trẻ tuổi tai biến mạch máu não vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn có xu hướng gia tăng, đặc biệt các dấu hiệu tai biến mạch máu não ở người trẻ ít được phát hiện sớm, do vậy gây khó khăn trong quá trình điều trị và phục hồi cho người bệnh.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân nam (36 tuổi, ở xã Na Sầm) vào viện trong tình trạng tỉnh, chậm, yếu nửa người phải.
Trước vào viện khoảng 13 giờ, khi đang làm việc, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, khó nói, yếu nửa người phải.
Tuy nhiên do không được phát hiện sớm nên người bệnh khi vào viện đã trong tình trạng xuất huyết não nặng, không thể can thiệp mà phải điều trị nội khoa trong thời gian dài, tình trạng cải thiện kém.

Bệnh nhân nam (42 tuổi, ở Phường Tam Thanh, tỉnh Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng khó nói, liệt nửa người phải. Theo lời kể của người nhà, buổi sáng bệnh nhân thấy mệt nằm nghỉ ở nhà và không được theo dõi tình trạng.
Đến trưa khi người nhà đi làm về mới phát hiện bệnh nhân đã không nói được, liệt nửa người và đưa đến Bệnh viện. Khi vào viện, bệnh nhân đã trong tình trạng tổn thương nặng do xuất huyết não, không thể can thiệp và phải điều trị nội khoa thời gian dài, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề.
Từ đầu năm đến nay, Khoa Tâm thần – Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận khoảng 20% bệnh nhân trẻ tuổi bị tai biến mạch máu não với đa dạng các thể như nhồi máu não, xuất huyết não…
Đây là một con số bệnh lý nguy hiểm đáng báo động trong cuộc sống hiện đại ngày nay khi nhiều người trẻ có thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, thiếu khoa học, thường bị stress, áp lực công việc, căng thẳng thần kinh, ít vận động, lạm dụng thuốc lá, rượu bia, thức khuya…

Theo các bác sĩ khoa Tâm thần - Thần kinh, bệnh nhân tai biến mạch máu não nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế chuyên khoa, có thể tử vong hoặc nếu được cứu sống phải chịu di chứng nặng nề như liệt nửa người, nói ngọng, méo mồm… gây khó khăn cho sinh hoạt, lao động thường ngày, trở thành gánh nặng cho gia đình.
Trước thực trạng tai biến mạch máu não có xu hướng tăng ở người trẻ tuổi, bác sĩ khuyến cáo người trẻ không nên chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.
Người trẻ nên tạo nếp sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích; hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn; cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động lành mạnh; tránh stress trong cuộc sống, công việc; thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý…
Khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… cần phải đưa người bệnh ngay đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất (dưới 4,5 tiếng) để được xử trí kịp thời trong giờ vàng.
Tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà, tránh làm mất khoảng thời gian vàng trong điều trị đột quỵ để giảm nguy cơ tử vong và biến chứng cho người bệnh.