Mặc dù yếu tố di truyền và môi trường là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ung thư, một số thói quen ăn uống, sinh hoạt cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là bốn thói quen ăn uống và lối sống phổ biến có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Ăn nhiều đường, chất tạo ngọt nhân tạo
Tiêu thụ nhiều đường hoặc chế độ ăn nhiều carbohydrate không trực tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, chế độ ăn dư thừa carbohydrate có thể gây thừa cân, béo phì, đường huyết cao, tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo thường… Thừa cân, béo phì cũng được cho là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Để giảm thiểu nguy cơ, hãy hạn chế đồ ngọt và nước uống có đường, không chỉ riêng món tráng miệng. Hãy chọn ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch và bánh mì nguyên cám thay vì tinh bột tinh chế. Những thực phẩm này giúp giải phóng năng lượng chậm, giữ ổn định đường huyết, từ đó giảm viêm và nguy cơ ung thư.

Bỏ qua trái cây và rau củ
Trái cây và rau củ là những siêu thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi những thay đổi có hại trong tế bào. Khi bạn không ăn trái cây và rau củ, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc chống viêm và ngăn ngừa tổn thương ADN - những yếu tố có thể dẫn đến ung thư.
Chế độ ăn ít trái cây và rau củ có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ ung thư, vì cơ thể không thể tự bảo vệ hiệu quả. Thay vì ăn đồ chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh, hãy bổ sung nhiều loại trái cây và rau củ có màu sắc đa dạng vào bữa ăn hàng ngày. Chúng giúp cơ thể khỏe mạnh và giảm nguy cơ thay đổi tế bào gây ung thư.
Lối sống ít vận động
Trong thế giới bận rộn ngày nay, chúng ta thường khó dành thời gian cho việc tập thể dục. Lối sống ít vận động sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất, và tăng nguy cơ tăng cân, béo phì - các yếu tố nguy cơ cao gây ung thư. Việc thiếu vận động cũng khiến cơ thể khó điều tiết lượng đường trong máu và insulin, từ đó tăng viêm - một môi trường thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển.
Để tránh điều này, hãy duy trì vận động mỗi ngày. Ngay cả những thói quen đơn giản như đi bộ sau bữa ăn, duỗi cơ trong giờ nghỉ, hoặc tập nhẹ cũng có thể giúp cải thiện tiêu hóa, giảm viêm và giảm nguy cơ ung thư.

Căng thẳng mãn tính
Mỗi người đều trải qua căng thẳng vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống - điều này hoàn toàn bình thường và không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, khi căng thẳng kéo dài, nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể, trong đó có cả thói quen ăn uống.
Căng thẳng có thể khiến bạn chọn thực phẩm không lành mạnh như ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc nhiều dầu mỡ, bỏ bữa, hoặc ăn uống không đúng giờ. Những thói quen này làm tăng cân nặng, rối loạn tiêu hóa và viêm nhiễm. Căng thẳng cũng khiến hệ miễn dịch suy yếu, khiến cơ thể khó chống lại sự phát triển bất thường của tế bào, từ đó tăng nguy cơ ung thư theo thời gian.
Việc kiểm soát căng thẳng thông qua các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền hoặc yoga có thể cải thiện cả thói quen ăn uống và sức khỏe tổng thể. Khi tinh thần được thư giãn, bạn sẽ có xu hướng lựa chọn lối sống lành mạnh hơn, từ đó giảm nguy cơ ung thư.
Thức khuya
Thức khuya có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cũng có thể làm rối loạn cơ chế tự điều hòa của cơ thể. Khi cơ chế tự điều hòa bị rối loạn, có thể làm cho cơ thể mất đi khả năng tự sửa chữa những rối loạn về mặt tế bào, là tiền đề hình thành những tổn thương tiền ung thư.
Việc xây dựng và duy trì các thói quen tốt về sức khỏe thể chất – sức khỏe tinh thần – dinh dưỡng – vận động hàng ngày có thể góp phần làm giảm các yếu tố nguy cơ, từ đó giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ngoài ra bạn nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
Hút thuốc lá
Nicotin và nhiều hóa chất khác trong thuốc lá được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư như ung thư phổi, tụy, thực quản, bàng quang….