Tuổi 18 sống trong tiếng máy lọc máu
Ba tuần trước kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, Huỳnh Minh Tấn (2007, Tiền Giang, tên nhân vật thay đổi) bắt đầu quen với một thế giới khác, nơi người ta không đo đếm thời gian bằng tiếng chuông báo thức, mà bằng vòng quay đều đặn của chiếc máy lọc máu.
Lúc bạn bè cặm cụi ôn thi, Tấn cũng học, nhưng là học cách hít thở thật sâu sau mỗi lần châm kim, học cách nằm yên ba tiếng rưỡi mỗi buổi để nhìn máu mình chảy ra rồi chảy về, học cách quen với sự im lặng không thể chia sẻ thành lời. Cuốn sách Tấn mang theo vào viện, đặt cạnh bên, có hôm đọc được vài dòng rồi ngủ thiếp đi giữa tiếng máy kêu nhè nhẹ. May thay lúc tỉnh dậy, Tấn vẫn kịp nhớ câu công thức đang dở dang.
Theo lời Tấn kể, em được chẩn đoán mắc bệnh suy thận năm 2023 sau một khoảng thời gian dài "làm bạn" với nước ngọt. Dù đã cố gắng ăn uống điều độ, tự nhủ phải giữ sức, phải khỏe để ôn thi. Nhưng những ngày cận kề kỳ thi THPT quốc gia khiến mọi thứ trở nên chông chênh. Em vùi đầu vào sách vở, sống cùng đống tài liệu cao hơn cả gối ngủ. Những đêm thức khuya nối nhau, ánh đèn học chênh chao, mắt mờ đi trong tiếng gió đầu hè và cơn đau đầu âm ỉ. Rồi một ngày, Tấn thấy tim mình đập nhanh bất thường, chân tê như có kiến bò, hơi thở ngắn dần, những cơn mệt mỏi kéo dài không lý do.

Ba tuần trước kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia Tấn bước vào hành trình chạy thận.
Sau lần kiểm tra định kỳ, bác sĩ bảo thận của em đã kiệt sức, đến giai đoạn cuối. Từ ngày đó, Tấn bắt đầu chạy thận tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ngày thi tốt nghiệp THPT Quốc gia diễn ra trùng với ngày lọc máu định kỳ. Em bước vào phòng thi trong tình trạng cơ thể đã qua chu kỳ lọc máu cuối cùng từ ba ngày trước. Mệt mỏi, nặng nề, khó tập trung. Có môn làm được, có môn phải nghỉ giữa chừng để lấy lại hơi. Có lúc đầu đau như búa bổ, mắt hoa lên, nhưng vẫn phải bám trụ. “Bỏ thi là coi như dừng lại. Em không muốn phải bỏ phí những cố gắng của mình”, Tấn nhớ lại.
Ngày có kết quả, nhìn những con điểm vượt qua cả mong đợi, em vỡ oà trong hạnh phúc. Với 26 điểm, em hi vọng có thể đỗ vào trường Đại học Kinh tế theo đuổi ngành Ngân hàng mà em nhiều lần mơ đến.
Nhưng càng nghĩ đến những ngày tháng gắn với giảng đường đại học, Tấn càng thấy sợ. Sợ sức khỏe mình không cho phép đi xa, không trụ nổi những ngày học căng thẳng. Sợ căn bệnh âm thầm như chiếc bóng, lúc nào cũng chực kéo em ngã xuống.
“Em chỉ mong có thể sớm ghép được thận để em có thể đi học đều, không phải ra vào viện liên tục, không phải lo mỗi tuần mất ba buổi vì chạy thận. Em rất muốn được sống một cuộc đời sinh viên bình thường, được đến lớp, được ngồi căn tin với bạn bè, được học những thứ mình thích mà không phải gồng mình gắng gượng qua mỗi ngày”, Tấn tâm sự.
Suy thận trẻ hóa: Cái giá từ lối sống hiện đại
TS.BS.CKII Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, hiện tại khoa Thận nhân tạo có 438 bệnh nhân đang lọc máu định kỳ. Đáng chú ý, trong số này, nhóm bệnh nhân dưới 40 tuổi đã chiếm đến 110 người.
“Hiện nay tình trạng suy thận ở người trẻ không còn là chuyện hiếm gặp. Trước đây, nhóm bệnh nhân lọc máu chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ trung niên đến cao tuổi. Nhưng trong vài năm trở lại đây, độ tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa rõ rệt. Chỉ riêng trong vòng một năm qua, số bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi lọc máu tại khoa Thận nhân tạo đã tăng từ 22,3% lên 24,2%. Đây là số liệu tính riêng của khoa Thận nhân tạo, nếu mở rộng ra toàn quốc con số này sẽ còn cao hơn”, bác sĩ Tuấn nói.

Chỉ trong 1 năm, số lượng người dưới 40 tuổi phải lọc máu do suy thận tăng gần 2%. (Ảnh minh hoạ).
Theo bác sĩ Tuấn, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thận ngày càng phổ biến ở người trẻ là chế độ ăn uống thiếu kiểm soát và lối sống không lành mạnh. Trong cuộc sống hiện đại, thực phẩm tiêu thụ hằng ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ, từ dư lượng chất bảo quản, chất tăng trưởng đến kim loại nặng hoặc phụ gia độc hại khiến cơ thể phải liên tục gồng gánh, trong đó thận là cơ quan chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Cùng với đó, lối sống thiếu điều độ, thức khuya, ngủ ngày làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể cũng góp phần đáng kể làm suy giảm chức năng thận. Dù tổng thời gian ngủ có đủ, nhưng giấc ngủ ban ngày không thể thay thế được chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Việc đảo lộn đồng hồ sinh học làm tăng gánh nặng chuyển hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của nhiều cơ quan, đặc biệt là thận.
Không dừng lại ở đó, một bộ phận người trẻ còn duy trì các thói quen nguy hại như tự ý dùng thuốc giảm cân, thuốc không rõ nguồn gốc hoặc lạm dụng thực phẩm chức năng không qua kiểm định. Những loại thuốc này có thể chứa các thành phần độc hại với thận, gây tổn thương âm thầm trong thời gian dài.
Một nguyên nhân khác cũng đang âm thầm gây ra nhiều ca suy thận mạn ở người trẻ là nhóm bệnh lý viêm cầu thận, đặc biệt là bệnh thận IgA, một bệnh tự miễn thường gặp trong độ tuổi 20–30. Tuy nhiên, vì cần sinh thiết thận mới có thể chẩn đoán xác định, nên nhiều trường hợp bị bỏ sót ở giai đoạn sớm, dẫn đến trì hoãn điều trị.
Ngoài ra, việc điều trị không tuân thủ cũng là vấn đề đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân trẻ được chẩn đoán suy thận giai đoạn 3 hoặc 4, thời điểm còn có thể can thiệp để bảo tồn chức năng thận nhưng lại bỏ dở điều trị hoặc tìm đến các phương pháp thay thế không có cơ sở khoa học, khiến bệnh tiến triển nhanh đến mức phải lọc máu.

Bác sĩ Tuấn cho biết, thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ mắc suy thận.
Điều đáng nói, suy thận, đặc biệt khi đã tiến đến giai đoạn phải lọc máu, không chỉ là một vấn đề y khoa mà còn là gánh nặng kéo dài suốt đời. Mỗi tuần, bệnh nhân phải dành vài buổi để đến bệnh viện chạy thận, mỗi lần kéo dài 4-5 tiếng. Điều này khiến người bệnh khó duy trì công việc ổn định, học hành dang dở, các kế hoạch tương lai bị trì hoãn hoặc chấm dứt.
Chi phí điều trị cũng là một áp lực lớn, từ tiền thuốc men, viện phí đến ăn ở, đi lại, đặc biệt với người trẻ chưa có thu nhập vững vàng. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn phải đối diện với những tổn thương tâm lý âm ỉ. Theo thống kê của khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, khoảng 35% bệnh nhân lọc thận trẻ tuổi mắc trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Cảm giác tự ti, mặc cảm vì bệnh tật, lo sợ không thể kết hôn, sinh con hay trở thành gánh nặng cho gia đình. Cuộc sống không còn được sống trọn vẹn theo ý muốn, mà bị bó buộc trong một lịch trình điều trị không hồi kết.
Từ thực tế điều trị, bác sĩ Tuấn khuyến cáo người trẻ nên chủ động bảo vệ sức khỏe thận từ sớm bằng những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả: uống đủ nước mỗi ngày, giảm ăn mặn, hạn chế tối đa việc tự ý sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Việc thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ, bao gồm kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu và nước tiểu nên được thực hiện ít nhất một lần mỗi năm để kịp thời phát hiện các bất thường ở giai đoạn đầu.
“Suy thận, nếu được phát hiện sớm, hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa tiến triển đến giai đoạn phải lọc máu. Tuy nhiên, nếu bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, cuộc sống người bệnh sẽ thay đổi hoàn toàn, đối mặt với gánh nặng chi phí, sức khỏe và tâm lý kéo dài. Vì vậy, chủ động phòng ngừa và thay đổi thói quen sinh hoạt từ sớm là cách thiết thực nhất để bảo vệ thận và gìn giữ chất lượng sống lâu dài”, bác sĩ Tuấn khuyên.

Suy thận không chỉ là một vấn đề y khoa mà còn là gánh nặng kéo dài suốt đời. (Ảnh minh hoạ).
Mặt khác, trước thực trạng bệnh suy thận ngày càng tăng, bác sĩ Tuấn khuyến cáo người dân, đặc biệt là người trẻ nên chủ động tham gia bảo hiểm y tế càng sớm càng tốt. Chi phí chạy thận nhân tạo rất lớn, nếu không có bảo hiểm, người bệnh sẽ khó lòng theo đuổi điều trị lâu dài.
“Bảo hiểm y tế giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế, đảm bảo người bệnh được tiếp cận y tế kịp thời, không phải bỏ điều trị vì quá sức chi trả. Đây không chỉ là tấm “lá chắn” tài chính khi không may mắc bệnh, mà còn là sự chuẩn bị cần thiết cho những rủi ro sức khỏe không lường trước trong tương lai”, bác sĩ Tuấn nói.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.