Bão số 3 Wipha tăng tốc và dự báo gây mưa nhiều nhất ở khu vực nào?
Trưa nay ngày 21-7, bà Nguyễn Thanh Bình, Dự báo viên chính Phòng Dự báo số trị viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin thêm về dự báo mới nhất của cơn bão số 3 Wipha.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Dự báo viên chính Phòng Dự báo số trị viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin về cơn bão số 3 Wipha
Theo bà Bình, đêm qua và sáng sớm nay 21-7 có một sự thay đổi đối với cơn bão số 3 đó là bão đổ bộ vào khu vực phía Nam Trung Quốc, đi qua bán đảo Lôi Châu.
Sáng sớm nay 21-7, khi đi từ bán đảo Lôi Châu xuống Vịnh Bắc Bộ, tốc độ cơn bão có xu hướng giảm, chậm lại. Nhưng từ sáng đến nay khi xuống tới Vịnh Bắc Bộ, cơn bão lại có xu hướng tăng tốc lên. Hiện nay, tốc độ di chuyển trung bình của bão là 15 km/giờ, theo hướng Tây Tây Bắc.
Đáng lo ngại, hoàn lưu của mây bão khá rộng. Hiện nay, trên ảnh mây vệ tinh thấy rằng hoàn lưu bão đã bao phủ toàn bộ khu vực phía Đông Bắc Bộ và ra đến tận phía đông của khu vực bán đảo Lôi Châu.
Tuy nhiên, phần mây dày với mây đối lưu phát triển có thể gây mưa lại nằm ở trong phạm vi hẹp. Chính vì thế, thủ đô Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng ngày hôm nay không có nắng nhưng cũng chưa có mưa nhiều.
"Với xu hướng di chuyển của cơn bão khi xuống Vịnh Bắc Bộ, tổ chức mây sẽ ổn định lại và cường độ có thể tăng thêm" - bà Bình cho biết.
Trong những giờ tới, khi bão di chuyển sát vào khu vực ven biển của Việt Nam thì vùng mây đối lưu sẽ tiến đến gần hơn và mưa sẽ tăng lên.
Bão số 3 Wipha gây mưa lớn đêm nay và sáng mai 22-7, người dân cần chú ý
Theo tính toán của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa sẽ tăng lên trong chiều tối nay và sẽ mưa nhiều nhất trong đêm nay cho đến sáng ngày mai 22-7, khi mà tâm bão tiến gần đến khu vực ven biển của nước ta.
Đáng chú ý, vùng núi phía Đông Bắc sẽ có mưa nhiều. Một vùng đáng lưu ý nữa là khu vực phía nam đồng bằng, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An.
Theo tính toán của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, với việc phân bố mây cũng như các mô hình dự báo thì vùng mưa lớn nhất do bão gây ra sẽ nằm ở khu vực vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An - đây là tâm mưa lớn.
Lượng mưa cực đoan có thể gây ngập úng ở vùng trũng và đặc biệt là có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bà Bình cảnh báo cần lưu ý là đôi khi tình trạng sạt lở đất không phải vào những lúc mưa dữ dội nhất mà thậm chí sau khi cơn bão đi qua, mưa không còn dữ dội nhưng nguy cơ sạt lở đất lúc bấy giờ vẫn ở mức rất cao. Rất nhiều trường hợp mưa đã giảm đi rồi nhưng mà sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Khi vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3 di chuyển sang Lào, vẫn có thể tiếp tục gây mưa, không phải sẽ dừng mưa ngay được. "Kể cả khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung, khi tâm bão đi qua và suy yếu rồi thì vẫn tiếp tục có mưa trong một vài ngày tới. Bởi vì nó sẽ thiết lập một dải thời tiết xấu vắt ngang qua Bắc Bộ và khu vực Bắc Lào" - bà Bình cảnh báo.
TP.HCM yêu cầu ứng trực 24/24, sẵn sàng ứng phó bão số 3
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi sở, ngành, phường, xã, đặc khu về việc khẩn trương triển khai các phương án ứng phó ảnh hưởng bão số 3.
Theo UBND TP.HCM, dự báo vùng biển từ Lâm Đồng đến Cà Mau (bao gồm vùng biển TP.HCM) có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7- 8. Độ cao sóng 2-3 m, biển động.

TP.HCM yêu cầu ứng trực 24/24, sẵn sàng ứng phó bão số 3. Ảnh minh họa: NT
Vùng biển từ Cà Mau - An Giang và Phú Quốc gió Tây Nam cấp 4, có lúc cấp 5. Độ cao sóng 0,75-1,75 m, biển bình thường, có lúc động nhẹ. Trên cả hai vùng biển, thời tiết có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh.
Về thời tiết TP.HCM, mây thay đổi đến nhiều mây, ngày nắng gián đoạn, trưa chiều và tối có mưa rào và rải rác có dông, có nơi mưa vừa, mưa to, trong cơn dông cần đề phòng sấm sét, gió giật mạnh và lốc xoáy.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để chủ động ứng phó với mọi tình huống, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các phường, xã, đặc khu tập trung triển khai biện pháp phòng tránh, ứng phó khi bão ảnh hưởng đến TP.HCM.
Chuẩn bị sẵn sàng phương án chi tiết huy động vật tư, phương tiện, lực lượng để ứng phó với ảnh hưởng của bão, nhất là mưa lớn, dông lốc, tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của gây ra.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra nhằm ứng phó kịp thời. Đồng thời, thông tin số điện thoại trực ban, phân công lực lượng ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khi gặp khó khăn.
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị, địa phương ven biển, đặc khu Côn Đảo triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão số 3, thường xuyên thông báo cho chủ các phương tiện biết diễn biến của bão và gió mạnh, sóng lớn trên biển để chủ động phòng tránh. Song song đó, chỉ đạo, triển khai công tác kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) hoạt động trên biển, ven biển, chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Bộ Tư lệnh TP.HCM, Công an TP.HCM, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, lực lượng Bộ đội Biên phòng chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống.
Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với phường, xã, đặc khu vận hành hiệu quả các cửa xả, cống thoát nước, máy bơm nước di động để kịp thời huy động khắc phục các sự cố ngập úng do mưa lớn từ ảnh hưởng của bão.
Sở Xây dựng cũng có trách nhiệm chỉ đạo chặt tỉa cây xanh, hạn chế tối đa việc cây xanh ngã đổ gây tai nạn khi xảy ra giông gió, mưa lớn do ảnh hưởng của bão. Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM được giao xử lý nhanh các sự cố cây xanh ngã đổ do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra.
Sở Du lịch, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn không để các tàu chở khách du lịch tham gia hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, sóng to, gió lớn và kiểm tra chặt chẽ các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trên tàu trước khi xuất bến như áo phao, phao cứu sinh, phương tiện thông tin liên lạc.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng do dông lốc gây ra. Cùng đó, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Xây dựng kiểm tra việc thực hiện chằng chống, gia cố các panô, biển quảng cáo... đúng kỹ thuật, đề phòng dông, lốc gây sự cố, tai nạn.
Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu hạn chế tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, sân khấu ca nhạc ngoài trời khi có cảnh báo thời tiết xấu của cơ quan chức năng.
TP.HCM: Nam thanh niên giật 100 tờ vé số của người đàn ông bị tàn tật
Ngày 21-7, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh nam thanh niên mặc đồ xe ôm công nghệ giật khoảng 100 tờ vé số của người đàn ông tàn tật ở phường Tăng Nhơn Phú, TP.HCM.
TP.HCM: Nam thanh niên giật khoảng 100 tờ vé số của người đàn ông bị tàn tật.
Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng 20 giờ 13 phút tối 20-7, tại hẻm 41 đường Cầu Xây. Ông Quách Văn Ngọc (44 tuổi, quê Thanh Hóa) mưu sinh bằng nghề bán vé số, khi đang đứng bán thì một người đàn ông mặc áo xe ôm công nghệ điều khiển xe máy đến hỏi mua vé.
Trong lúc ông Ngọc lấy vé theo yêu cầu, người này bất ngờ giật cả xấp vé số (ước tính khoảng 100 tờ) rồi tăng ga bỏ chạy về hướng cầu Cầu Xây. Do bị tàn tật, ông Ngọc không thể đuổi theo mà chỉ biết đứng nhìn bất lực.

Nam thanh niên mặc đồ xe ôm công nghệ giật khoảng 100 tờ vé số của người đàn ông tàn tật rồi tăng ga bỏ chạy. Ảnh cắt từ clip
Người thân ông Ngọc cho biết ông mới vào TP.HCM ở cùng em trai, cuộc sống khó khăn, một mình nuôi con nhỏ ở quê và mẹ già hơn 80 tuổi không có lương hưu.
"Rất mong người lấy vé số suy nghĩ lại và trả lại số vé cho anh ấy. Hoàn cảnh của anh Ngọc rất khổ, sống nhờ vào lòng tốt của người thân và bán vé số qua ngày" – người nhà ông Ngọc chia sẻ.
Trước thời điểm bị giật, ông Ngọc đã nhận tổng cộng 140 tờ vé số từ đại lý và mới bán được hơn 20 tờ.
Đại diện Công an phường Tăng Nhơn Phú cho biết nạn nhân không trình báo cơ quan chức năng, sau khi clip xuất hiện công an phường vào cuộc xác minh, làm rõ.
Phú Thọ: Bắt nghi phạm xâm hại trẻ em sau 24 giờ lẩn trốn
Công an xã Lập Thạch tỉnh Phú Thọ vừa bắt giữ nghi phạm Đỗ Tuấn Cường về hành vi xâm hại trẻ em dưới 16 tuổi sau 24 giờ lẩn trốn.
Trước đó, hồi 16h ngày 13/7, Công an xã Lập Thạch tiếp nhận tố giác của chị N.T.A trú tại xã Tam Sơn, tỉnh Phú Thọ về việc con gái chị là cháu V.T.A, sinh năm 2011 (thông tin họ tên người tố giác và nạn nhân đã được thay đổi) bị một nam thanh niên quen qua mạng xã hội Facebook xâm hại tình dục.
Theo lời kể của cháu V.T.A, thông qua mạng xã hội Facebook có quen nam thanh niên tên Cường, tối 12/7 Cường đã rủ cháu T.A đi chơi qua đêm, sau đó đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục 2 lần tại nhà nghỉ Hoàng Gia thuộc xã Lập Thạch.

Đối tượng Đỗ Tuấn Cường tại cơ quan Công an. Ảnh: CACC
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đặc biệt là liên quan đến trẻ em dưới 16 tuổi, một đối tượng dễ bị tổn thương, cần được pháp luật bảo vệ, Công an xã Lập Thạch đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh. Với thông tin ít ỏi về đối tượng do nạn nhân cung cấp, việc xác minh, làm rõ đối tượng của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong một thời gian ngắn, tối 14/7, lực lượng Công an xã đã làm rõ và bắt giữ nghi phạm thực hiện hành vi xâm hại tình dục cháu V.T.A là Đỗ Tuấn Cường, sinh năm 1999, hộ khẩu thường trú tại xã Phúc Lộc, TP Hà Nội khi Cường đang lẩn trốn trên địa bàn.
Hiện tại, Công an xã Lập Thạch đang phối hợp các Phòng chức năng Công an tỉnh Phú Thọ củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.