Ngành học "xương sống" của nền công nghiệp 4.0
Trong thời đại công nghiệp 4.0, ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa đang nổi lên như một trong những ngành học "xương sống" của nền công nghiệp hiện đại. Đây là lĩnh vực tích hợp giữa kỹ thuật cơ khí, điện – điện tử, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, nhằm thiết kế, vận hành và tối ưu hóa các hệ thống sản xuất tự động.
Ngành học này cung cấp cho sinh viên nền tảng vững chắc về lý thuyết điều khiển, hệ thống nhúng, robot công nghiệp, cùng các phần mềm chuyên dụng để mô phỏng, lập trình và vận hành thiết bị tự động. Nhờ đó, sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận vai trò kỹ sư điều khiển, kỹ sư tự động hóa, chuyên viên lập trình PLC, vận hành robot hoặc quản lý dây chuyền sản xuất thông minh.

Vai trò của ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa ngày càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống. Một trong những đóng góp rõ nét nhất là việc nâng cao năng suất và hiệu quả vận hành. Khi quy trình sản xuất được tự động hóa, doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian thực hiện công việc, đồng thời giảm thiểu sai sót và chi phí nhân công. Từ những dây chuyền đóng gói thực phẩm, sản xuất ô tô đến các nhà máy điện tử, hóa chất, tất cả đều cần đến sự hiện diện của hệ thống tự động hóa để đảm bảo hoạt động trơn tru và ổn định.
Bên cạnh việc tăng năng suất, ngành tự động hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm. Với sự hỗ trợ của cảm biến, hệ thống điều khiển thông minh và các phần mềm giám sát, doanh nghiệp có thể dễ dàng kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh quy trình sản xuất theo thời gian thực. Điều này giúp sản phẩm đạt chất lượng đồng đều, hạn chế lỗi kỹ thuật và nâng cao uy tín thương hiệu. Trong các ngành yêu cầu độ chính xác cao như dược phẩm, linh kiện điện tử hay công nghiệp ô tô, vai trò của tự động hóa gần như không thể thay thế.
Không chỉ dừng lại ở hiệu suất và chất lượng, tự động hóa còn giúp đảm bảo an toàn lao động và tiết kiệm năng lượng. Các hệ thống máy móc được lập trình để thực hiện những công việc nguy hiểm, độc hại thay cho con người, từ đó giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động. Đồng thời, các hệ thống điều khiển thông minh có khả năng tối ưu hóa lượng điện năng tiêu thụ, giảm lãng phí nguyên vật liệu và góp phần xây dựng quy trình sản xuất xanh – sạch – bền vững. Đây là yếu tố ngày càng được doanh nghiệp và xã hội quan tâm trong xu thế phát triển công nghiệp bền vững.

Một điểm đáng chú ý nữa là ngành Tự động hóa có khả năng giải quyết những bài toán kỹ thuật phức tạp nhờ sự kết hợp giữa công nghệ điều khiển hiện đại và trí tuệ nhân tạo. Các kỹ sư trong ngành không chỉ vận hành hệ thống, mà còn thiết kế các mô hình dự báo, phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định tối ưu hóa quy trình sản xuất. Điều này cho thấy ngành học không chỉ đòi hỏi khả năng kỹ thuật thuần túy, mà còn yêu cầu tư duy phân tích, sáng tạo và khả năng thích ứng với công nghệ mới.
Tương lai càng triển vọng, mức thu nhập hậu hĩnh
Trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 bùng nổ, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đều cần hệ thống tự động hóa để nâng cao năng suất, tối ưu vận hành và giảm chi phí lao động. Do đó, sinh viên tốt nghiệp ngành này gần như không lo thất nghiệp. Sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa thường xuyên được nhà tuyển dụng tiếp cận ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa vô cùng rộng mở với nhiều vị trí then chốt như: Kỹ sư vận hành và bảo trì; Kỹ sư vận hành bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị và hệ thống tự động của các nhà máy, xí nghiệp; Chuyên gia hệ thống; Chỉ huy các dự án; Lập trình ứng dụng; Chuyên gia tư vấn cung cấp các nhà tư vấn, giải pháp trong lĩnh vực tự động, tham gia các chương trình đào tạo nhân viên chương trình; Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

So với nhiều ngành kỹ thuật khác, ngành Tự động hóa có mức thu nhập khởi điểm khá cao và cơ hội thăng tiến nhanh. Theo thống kê, kỹ sư mới ra trường có thể nhận mức lương từ 10 đến 18 triệu đồng/tháng tùy vào năng lực, vị trí và quy mô doanh nghiệp. Sau 2–3 năm kinh nghiệm, mức thu nhập có thể tăng lên từ 20 đến 50 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, những kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, am hiểu lập trình điều khiển, robot công nghiệp, hoặc làm việc trong các công ty nước ngoài có thể nhận lương hơn 50 triệu đồng/tháng hoặc hơn. Ngoài ra, những người đảm nhận vai trò quản lý kỹ thuật, trưởng nhóm dự án hay chuyên gia tư vấn cũng được hưởng mức thu nhập tương xứng, từ 1.000–1.500 USD/tháng trở lên.
Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa được giảng dạy tại nhiều trường đại học lớn, uy tín ở cả ba miền. Ở miền Bắc, có thể kể đến các trường đầu ngành như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghiệp Hà Nội,… Tại miền Trung, nổi bật có Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Vinh,... Miền Nam có Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM,…
Năm 2024, điểm chuẩn của ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa nằm trong top cao, từ 22-28 điểm. Trong mùa tuyển sinh 2025, các chuyên gia dự báo đây vẫn là ngành học hot, thu hút các bạn trẻ đam mê công nghệ, điểm chuẩn có thể sẽ giảm nhẹ ở các trường top đầu và giảm 2-3 điểm ở các trường top giữa.