Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7h ngày 21/7, tâm bão Wipha (bão số 3) trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Bão di chuyển hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20km/h.
Các chuyên gia dự báo đến 7h ngày 22/7, bão sẽ mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 14 khi ở trên khu vực bắc Vịnh Bắc Bộ và có khả năng tiếp tục mạnh thêm. Sau đó, bão sẽ di chuyển vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Trước những cảnh báo về cơn bão số 3, nhiều người dân lo ngại về vấn đề thiếu hụt hoặc tăng giá lương thực, thực phẩm vì thế các gia đình đã mua đồ tích trữ để đề phòng và yên tâm ở trong nhà tránh bão. Theo các chuyên gia, lo ngại của người dân là hoàn toàn chính đáng, bởi bão kèm theo mưa có thể gây thiệt hại về rau màu và ngập úng. Sau cơn bão có thể sẽ dẫn tới tình trạng tăng giá do thực phẩm hư hại, khan hiếm.

Người dân đi mua đồ tích trữ trước khi bão về tăng đột biến. Ảnh: Nguyễn Anh Thơm.
Tuy nhiên, việc tích trữ thực phẩm cũng cần phải lưu ý để vừa giúp bảo quản được lâu, lại an toàn với sức khỏe. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho rằng, nếu mưa bão lớn sẽ thường kéo theo tình trạng mất điện, khi đó vật dụng bảo quản thực phẩm tốt nhất là tủ lạnh đã bị “vô hiệu”. Do vậy, nếu lựa chọn thực phẩm như thịt cá tươi, rau củ thân mềm rất dễ bị hỏng hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe vì không đảm bảo vệ sinh.
Do vậy, ông Thịnh khuyến cáo, không nên mua quá nhiều đồ, về các thực phẩm giàu đạm tạm thời sử dụng các loại đồ khô như tôm, cá, mực khô, ruốc… có thể bảo quản được lâu nếu mất điện. Với nhóm rau, nên chọn các loại củ, quả như bí xanh, bí bỏ, cà rốt, khoai tây vì chúng bảo quản ở nhiệt độ phòng bình thường, không cần tủ lạnh.
Nhóm cung cấp tinh bột có thể mua thêm mì gạo khô, mì tôm vì dễ sử dụng, bảo quản. Với gạo nếu mưa bão, ngập úng cần phải lưu ý để nơi cao ráo, nhưng cũng rất dễ bị ẩm mốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông Thịnh cảnh báo, trong điều kiện ẩm ướt dễ bị vi khuẩn tấn công ngoài da, cộng với thực phẩm ẩm mốc, không đảm bảo sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe nhất là bệnh tiêu chảy, da liễu dễ hay mắc nhất.

Người dân nên chọn đồ khô, thay vì mua nhiều thực phẩm tươi sống vì bão thường kèm theo mất điện. Ảnh minh họa.
Sau khi bão qua thường sẽ có mưa lớn và kéo dài, khi đó có thể không mất điện và bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh được, nhưng cũng đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không chủ quan. Trong trường hợp mất điện, cửa tủ đá và tủ lạnh phải được đóng kín hoàn toàn để duy trì độ lạnh. Để giữ thực phẩm an toàn trước khi mất điện, nên xếp thịt cùng với nhau, sắp gọn vào một bên của ngăn đá hoặc khay, để nếu thịt bắt đầu rã đông, thì nước thịt (có thể sẽ chứa vi khuẩn) sẽ không chảy xuống các thực phẩm khác.
Sau khi có điện trở lại, cũng cần kiểm tra thức ăn, nhiệt độ tủ, nhất là ngăn đá và lau dọn các thức ăn hư hỏng, nước chảy ra (nếu có) từ thực phẩm. Sau thời gian mất điện, nếu nhiệt độ ngăn đá vẫn còn dưới 4 - 5 độ C thì thực phẩm vẫn còn dùng được. Nếu kiểm tra thấy thực phẩm có mùi, chảy nước chứng tỏ đã có dấu hiệu hư hỏng và phải bỏ, không nên tiếc rẻ sử dụng rất dễ gây nên tình trạng ngộ độc.
Thậm chí, ngay cả khi những thức ăn này không phát ra mùi hôi nhưng vẫn có thể chứa vi khuẩn mang mầm bệnh. Đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao. Bên cạnh đó, khi mưa bão thường đi kèm lũ lụt, có thể gây ô nhiễm nguồn nước sử dụng. Trong thời gian này, tốt hơn hết người dân nên uống nước đun sôi để nguội, hoặc nước đóng chai mua sẵn.