Dầu gội không sulfate, xu hướng làm đẹp hay chiêu trò tiếp thị?

Dầu gội không sulfate là một trong những sản phẩm được tung hô như một bước tiến của mỹ phẩm “xanh” nhưng cũng không tránh khỏi những tranh cãi xoay quanh hiệu quả thực sự của nó.

Sulfate là gì và vì sao bị “tẩy chay”?

Sulfate, đặc biệt là Sodium Lauryl Sulfate (SLS) và Sodium Laureth Sulfate (SLES), là những chất hoạt động bề mặt có khả năng tạo bọt và làm sạch mạnh. Chúng được sử dụng phổ biến trong dầu gội đầu từ nhiều thập kỷ nay vì hiệu quả cao và giá thành rẻ. Chính nhờ sulfate mà dầu gội có khả năng rửa trôi dầu nhờn, bụi bẩn, sản phẩm tạo kiểu và tế bào chết trên da đầu, mang lại cảm giác sạch sau mỗi lần gội.

Ảnh minh họa/ Nguồn Internet
Ảnh minh họa/ Nguồn Internet

Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sulfate có thể làm mất lớp dầu tự nhiên bảo vệ da đầu, gây cảm giác khô căng, ngứa, thậm chí dẫn đến gàu và kích ứng, đặc biệt với những người có làn da nhạy cảm hoặc tóc đã qua xử lý hóa học. Đối với tóc nhuộm, sulfate được cho là thủ phạm khiến màu nhanh phai, tóc nhanh xỉn màu và mất độ bóng khỏe.

Chính những điều này đã tạo nên làn sóng tẩy chay sulfate trong giới làm đẹp. Sản phẩm không chứa sulfate vì vậy được xem như sự thay thế dịu nhẹ, an toàn và có tâm hơn cho người tiêu dùng hiện đại.

Dầu gội không sulfate có gì khác biệt?

Ưu điểm dễ nhận thấy của dầu gội không sulfate là không làm khô tóc, giữ ẩm tự nhiên, duy trì độ bóng mềm và giúp tóc nhuộm bền màu hơn. Chúng đặc biệt phù hợp với các đối tượng: Người có da đầu nhạy cảm, dễ ngứa, dễ kích ứng; Người thường xuyên nhuộm tóc, uốn/duỗi; Người theo đuổi lối sống xanh ưu tiên mỹ phẩm ít hóa chất mạnh, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, mặt trái là những sản phẩm này thường ít bọt, tạo cảm giác không sạch, điều mà nhiều người đã quen dùng dầu gội truyền thống không dễ chấp nhận. Ngoài ra, do công thức dịu nhẹ hơn, hiệu quả làm sạch của dầu gội không sulfate khó sánh bằng các loại chứa sulfate điều này khiến người có da đầu dầu hoặc hay sử dụng sản phẩm tạo kiểu phải gội đầu thường xuyên hơn.

Chiêu trò tiếp thị dưới lớp vỏ “tự nhiên”?

Không thể phủ nhận rằng sự phát triển của các sản phẩm không sulfate là một phần của xu hướng tiêu dùng thông minh và ý thức hơn về sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh đó là một chiến lược tiếp thị khôn ngoan được xây dựng trên tâm lý sợ hãi hóa chất.

Một số thương hiệu mỹ phẩm không ngần ngại gắn mác không sulfate như một cam kết an toàn tuyệt đối, đồng thời khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng sản phẩm có chứa sulfate là độc hại, dù trên thực tế, các cơ quan quản lý uy tín như FDA hay EU chưa từng ban hành lệnh cấm sulfate trong mỹ phẩm.

Nhiều nghiên cứu uy tín cũng khẳng định rằng sulfate trong mỹ phẩm, khi được dùng đúng nồng độ, hoàn toàn an toàn với người sử dụng. Thậm chí, trong một số trường hợp như da đầu nhiều dầu, gàu nặng, người hay vận động hoặc làm việc ngoài trời dầu gội có chứa sulfate có thể là lựa chọn cần thiết để làm sạch sâu.

Do đó, việc sử dụng cụm từ không sulfate như một tấm thẻ xanh trong marketing đã vượt quá tính chất thông tin và trở thành công cụ định vị sản phẩm theo hướng thiên lệch.

Người tiêu dùng nên chọn thế nào?

Dầu gội không sulfate là một giải pháp hữu ích nhưng không phải là chân lý. Việc lựa chọn loại dầu gội nào không nên dựa hoàn toàn vào nhãn mác, mà phải dựa trên:

Tình trạng tóc và da đầu: Nếu tóc bạn khô xơ, nhạy cảm hoặc nhuộm thường xuyên, dầu gội không sulfate sẽ phù hợp hơn. Nếu da đầu nhiều dầu, dễ bết hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, một loại dầu gội có chứa sulfate dịu nhẹ là hợp lý.

Thói quen sinh hoạt: Người gội đầu mỗi ngày có thể ưu tiên công thức dịu nhẹ, nhưng nếu chỉ gội 2–3 lần/tuần, khả năng làm sạch sâu cũng rất quan trọng.

Hiểu rõ nhãn mác sản phẩm: Không chỉ dừng lại ở không sulfate, người tiêu dùng nên xem xét bảng thành phần kỹ lưỡng: sản phẩm có chứa cồn khô, silicon, hoặc chất bảo quản gây kích ứng không?