Sai lầm khi đắp thuốc nam chữa rắn cắn
Gần đây, nhiều người nhập viện với vết thương nhiễm trùng, phải cắt bỏ các tổ chức hoại tử, thậm chí hôn mê do tự đắp thuốc nam chữa rắn cắn tại nhà.
Mới đây, người đàn ông 53 tuổi, trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh, sau khi bị rắn cắn ở vùng cổ chân đã không đến cơ sở y tế mà tự điều trị tại nhà bằng cách đắp thuốc nam. Vài ngày sau, vết thương xuất hiện tình trạng sưng tấy, nóng rát và chảy dịch, buộc ông phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh).
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận vùng tổn thương có dấu hiệu hoại tử, nhiễm trùng lan rộng. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử và điều trị kháng sinh tích cực để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
Trước đó, hồi giữa tháng 5 vừa qua, người đàn ông 50 tuổi ở Lào Cai bị rắn hổ mang chúa cắn. Thay vì đến cơ sở y tế, ông tới nhà thầy lang đắp thuốc rồi trở về nhà. Khoảng 2 giờ sau, người bệnh có biểu hiện nói khó và được đưa đi cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, bệnh nhân đột ngột tím tái, gồng cứng, hôn mê, ngừng tim.
Tại bệnh viện tuyến huyện, bác sĩ kịp thời cấp cứu giúp tim đập lại, đặt ống thở và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, ông được chẩn đoán hôn mê sau ngừng tuần hoàn do rắn hổ mang chúa cắn, tổn thương tim, tụt huyết áp, não thiếu oxy và đang được hồi sức tích cực. Tiên lượng rất nặng.

Bệnh nhân bị hoại tử chân/Ảnh VTV
Các bác sĩ cảnh báo, nhiều người dân có thói quen tự xử lý vết thương do rắn cắn hoặc côn trùng đốt bằng các bài thuốc dân gian, thuốc lá, thuốc nam chưa được kiểm chứng. Điều này rất nguy hiểm, nhất là khi áp dụng với vết thương hở, bởi có thể gây nhiễm trùng nặng, hoại tử mô, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng tính mạng nếu không được điều trị đúng cách.
Thực tế cho thấy, không ít trường hợp chỉ đến bệnh viện khi vết thương chuyển nặng, chảy dịch, sưng tấy, lúc này việc điều trị đã gặp nhiều khó khăn hơn, kéo theo chi phí tốn kém và nguy cơ tổn thương lâu dài. Việc chậm trễ trong xử trí cũng đồng nghĩa với việc người bệnh phải đối mặt với đau đớn nhiều hơn và nguy cơ biến chứng cao hơn.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các biện pháp dân gian như đắp lá, dùng thảo dược, đá chữa rắn cắn, sừng tê giác, áp gà, hay uống thuốc nam… hoàn toàn không có tác dụng trung hòa nọc độc mà còn làm mất thời gian cấp cứu quý giá.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cả các quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ đều khuyến cáo không sử dụng các phương pháp này.
Hiện Việt Nam ghi nhận khoảng 70 loài rắn độc và hàng trăm loài rắn không độc. Do đó, điều quan trọng là phải đưa nạn nhân đến viện để bác sĩ nhận diện loài rắn, đánh giá tình trạng nhiễm độc và điều trị đúng phác đồ. Việt Nam cũng đang có các thuốc giải độc với các loài rắn phổ biến nhất và phác đồ điều trị hiệu quả.
Sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn
- Theo các bác sĩ, khi nghi ngờ bị rắn độc cắn, người dân cần bình tĩnh, hạn chế vận động vùng bị thương.
-
- Nếu là các loài rắn độc tấn công như: Rắn cạp nong, cạp nia, rắn hổ chúa, một số loài rắn hổ mang, rắn biển, rắn lục núi, rắn lục đầu bạc, băng ép toàn bộ vùng chân tay bị cắn bằng băng, sau đó buộc nẹp tương tự cố định gãy xương để hạn chế, làm chậm nọc độc vào cơ thể.
- Biện pháp đơn giản hơn có thể làm là sử dụng các loại vật liệu có sẵn tại chỗ (khăn, dây lưng,... ưu tiên băng hoặc dây mềm cỡ to) để buộc ép ở phía trên vị trí vết cắn.
- Bên cạnh đó, cũng có thể dùng biện pháp ga rô tĩnh mạch, dùng dây buộc ở phía trên vị trí vết cắn nhưng chỉ ngăn cản tuần hoàn tĩnh mạch và vẫn sờ thấy mạch đập ở đoạn trước ga rô.
- Trường hợp vết cắn ở thân mình hoặc đầu mặt cổ, người cấp cứu dùng một miếng giấy hoặc bìa, vải dày để gấp thành miếng kích thước 4-5cm, ấn trực tiếp liên tục lên vết cắn.
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển hoặc cõng. Khi vận chuyển để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim.
- Tuyệt đối không mất thời gian đi tìm các biện pháp xử lý khác, hay đi tìm thầy lang, lá thuốc hoặc chờ đợi xem các biện pháp xử lý đó có tác dụng không.
- Không rạch vết cắn, không đắp bất kỳ loại lá hay thuốc nào lên vết thương.
- Nếu bệnh nhân bị liệt, khó thở khi chưa tới kịp bệnh viện, cấp cứu, hỗ trợ hô hấp theo điều kiện có tại chỗ.