Zona là bệnh lý do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Sau khi mắc thủy đậu, virus này không bị loại bỏ hoàn toàn mà “ẩn náu” trong các hạch thần kinh cảm giác.
Khi sức đề kháng suy giảm (tuổi cao, stress, bệnh mạn tính, dùng thuốc ức chế miễn dịch…), virus có thể tái hoạt động, gây ra các tổn thương da và đau dọc theo đường đi của dây thần kinh.
Nếu virus tái hoạt ở dây thần kinh mặt (dây số VII), người bệnh có nguy cơ gặp phải biến chứng liệt mặt ngoại biên – một hậu quả nặng nề nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát nếu phát hiện sớm.

Biểu hiện của liệt dây VII do zona
Tổn thương da: Phát ban hoặc mụn nước ở màng nhĩ, ống tai ngoài, bên ngoài của tai, vòm miệng hoặc lưỡi, cũng có thể không có tổn thương da, kèm theo cảm giác đau rát, châm chích tại tổn thương.
Sau khi xuất hiện mụn nước thì có thể xuất hiện liệt mặt ngay hoặc có thể vài ngày sau đó đó với các triệu chứng như: gặp khó khăn khi cười, nhăn trán hoặc chớp mắt do mất khả năng cử động cơ mặt một bên, miệng bị kéo lệch nhẹ về một bên khi nói hoặc ăn uống, mắt bên bị ảnh hưởng không thể nhắm kín hoàn toàn dẫn đến khô mắt, vị giác bị thay đổi, tiết nước bọt bất thường, nhai nuốt khó khăn.
Những triệu chứng này đôi khi xuất hiện trước khi tình trạng liệt mặt trở nên rõ ràng. Giảm thính lực hoặc ù tai, cảm giác chóng mặt nếu đi kèm với tổn thương dây VIII.
Dấu hiệu cảnh báo: Đau rát, tê bì một bên mặt hoặc tai, sau đó xuất hiện mụn nước hoặc liệt nửa mặt; Miệng lệch, không cười được, không nhăn trán, không nhắm kín mắt, nguy cơ loét giác mạc; Mất vị giác một phần, chảy nước dãi, khó ăn nhai; Ù tai, nghe kém, chóng mặt nếu dây VIII cũng bị tổn thương.
Nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng này có thể dẫn đến liệt mặt vĩnh viễn và các vấn đề thính giác nghiêm trọng.
Phương pháp điều trị
Thuốc kháng virus: Sử dụng sớm trong vòng 72 giờ đầu từ khi xuất hiện triệu chứng để ức chế sự phát triển của virus và làm giảm mức độ nghiêm trọng cũng như biến chứng của bệnh.
Corticosteroid: Được sử dụng trong giai đoạn đầu, để làm giảm sưng nề và đau, tránh các biến chứng.
Thuốc giảm đau: Paracetamol hoặc các thuốc giảm đau thần kinh có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau.
Chăm sóc tại chỗ: Làm sạch vùng da tổn thương nhằm hạn chế nhiễm trùng thứ phát và sử dụng các thuốc bôi tuỳ vào từng giai đoạn bệnh để nhanh liền thương và hạn chế hình thành sẹo. Nhỏ nước mắt nhân tạo, mỡ tra mắt, che mắt phòng loét giác mạc
Phối hợp với Đông y và vật lý trị liệu bằng các bài tập mặt có thể giúp cải thiện hoặc kiểm soát các cơ mặt.
Biện pháp dự phòng bệnh zona
Tiêm vắc xin phòng zona: Đây là biện pháp hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng liên quan, được khuyến cáo cho người từ 50 tuổi trở lên và người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona (do suy giảm miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch do bệnh lý/liệu pháp điều trị…). Hiện nay, có hai loại vắc-xin chính:
Vắc xin sống giảm độc lực: Tiêm một liều duy nhất dưới da (VD: Zostavax).
Vắc xin bất hoạt tái tổ hợp: Tiêm bắp hai liều, mỗi liều cách nhau từ 2 đến 6 tháng. (VD: vắc xin Shingrix (Bỉ)).
Duy trì lối sống lành mạnh: Nhằm nâng cao sức đề kháng như có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng kéo dài,…
Zona có biến chứng liệt VII ngoại vi được điều trị hiệu quả ngoại vi bằng thuốc, chăm sóc tại chỗ kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chứng năng.
Nếu bạn hay người thân có bất kỳ dấu hiệu như đau vùng tai, đau giật vùng đầu, mụn nước vùng mặt hoặc bất ngờ liệt mặt 1 bên, hãy đến khám các chuyên gia Da liễu hoặc Thần kinh để được khám và điều trị kịp thời, hiệu quả
ThS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)