Bà N.K.T (56 tuổi, quê Đồng Tháp) trải qua nhiều năm sống trong mặc cảm vì tình trạng sa sinh dục, gây ra hàng loạt phiền toái như tiểu khó, táo bón, cảm giác nặng tức vùng bụng dưới và khó khăn khi đi lại. Khối sa ngày càng lớn khiến bà gần như không thể sinh hoạt bình thường. Bà đi thăm khám tại nhiều cơ sở y tế và được khuyên phẫu thuật cắt tử cung.
Tại một cơ sở y tế ở Vĩnh Long, các bác sĩ Ngoại Tiết niệu chẩn đoán nữ bệnh nhân mắc sa sinh dục độ 3 mức độ nặng, với tử cung sa rơi hoàn toàn ra ngoài âm đạo. Thay vì cắt bỏ tử cung, các bác sĩ lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi đặt lưới cố định sàn chậu, một kỹ thuật tiên tiến, ít xâm lấn, mang lại hiệu quả lâu dài và bảo tồn tử cung.

Trong ca phẫu thuật, ê-kíp đã thực hiện nội soi ổ bụng, sử dụng lưới nhân tạo để khéo léo cố định tử cung, bàng quang và trực tràng vào ụ nhô - một điểm neo vững chắc trong vùng chậu. Nhờ đó, các cơ quan được đưa về vị trí tự nhiên. Sau 3 ngày nằm viện, bà T. hồi phục nhanh chóng, không còn khối sa, đi tiểu dễ dàng và tinh thần thoải mái, lấy lại sự tự tin trong cuộc sống.
Theo bác sĩ Mai Hoàng Khoa, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu người điều trị cho bà T., kỹ thuật nội soi đặt lưới đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và sự phối hợp nhịp nhàng giữa phẫu thuật viên và ê-kíp gây mê. Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm: Bảo tồn tử cung, giảm đau, hạn chế xâm lấn, rút ngắn thời gian nằm viện và giảm nguy cơ tái phát, trở thành lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân sa sinh dục.
Sa sinh dục là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là những người sinh nhiều con, lao động nặng hoặc có tiền sử sang chấn sản khoa. Mặc dù không đe dọa tính mạng, bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và tâm lý người bệnh. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, sa sinh dục hoàn toàn có thể được điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và áp dụng phương pháp phù hợp.

Nguyên nhân sa tử cung
Sa tử cung (hay còn gọi là sa sinh dục, sa dạ con, sa thành âm đạo) là hiện tượng thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh, khi thành tử cung tụt xuống vào trong ống âm đạo, thậm chí có trường hợp tử cung lộ ra ngoài âm đạo.
Biểu hiện sa tử cung được chia ra thành nhiều cấp độ khác nhau. Biểu hiện nhẹ là khi tử cung sa xuống nhưng vẫn nằm bên trong ống âm đạo. Mức độ nặng nhất là toàn bộ tử cung tụt xuống và sa hẳn ra ngoài cửa âm đạo.
Sa tử cung có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân cơ bản sau đây:
- Chấn thương tại vùng cơ đáy xương chậu, các mô giúp nâng đỡ tử cung hoặc cổ tử cung trong khi sinh, đặc biệt là khi thai phụ sinh con quá to hoặc thời gian chuyển dạ lâu.
- Thai phụ lao động quá sức sau khi sinh, khiến cho các cơ, dây chằng nâng đỡ tử cung bị tổn thương, trong khi các cơ quan này chưa phục hồi hoàn toàn sau khi sinh, dẫn tới thành tử cung bị sa xuống.
- Dị tật bẩm sinh ở tử cung cũng có thể là nguyên nhân sa tử cung, chẳng hạn như tử cung 2 buồng, kích thước cổ và eo tử cung bất thường,...
- Phụ nữ sau sinh bị táo bón hoặc rối loạn đại tiện, dẫn đến tăng áp lực trong ổ bụng và gây ra bệnh.
- Can thiệp y khoa trong khi sinh: bao gồm phẫu thuật nội soi, sinh mổ, bỏ nhau thai bằng tay hoặc sử dụng thuốc oxytocin.