Người Việt thường có thói quen ăn cơm (carbs) đều đặn vì giúp no lâu và có đủ sức khỏe để hoạt động trong cả ngày.
Nhưng hiện nhiều người cho rằng ăn nhiều cơm dễ thừa năng lượng gây ra tình trạng thừa cân, béo phì và kháng insulin dẫn tới bệnh đái tháo đường... nên kiêng ăn mà không biết, nó có thể gây các hậu quả hủy hoại cơ thể:
Mệt mỏi, thiếu năng lượng
Carbs là nguồn năng lượng chính của cơ thể, đặc biệt là cho não. Thiếu glucose sẽ gây mệt mỏi về tinh thần, kém tập trung, cáu kỉnh và uể oải, theo tờ Hindustan Times.
Mặc dù cơ thể cuối cùng có thể thích nghi với việc sử dụng ketone (quá trình chuyển hóa chất béo thành ketone trong cơ thể, thường xảy ra khi cơ thể không có đủ glucose để tạo năng lượng), nhưng quá trình chuyển đổi này không hề suôn sẻ với tất cả mọi người và có thể không bền vững về lâu dài.

Tăng cân trở lại
Chế độ ăn ít carbs khiến cân nặng đã giảm lại tăng trở lại. Ban đầu có thể dẫn đến giảm cân nhanh chóng, chủ yếu là do mất nước và glycogen.
Tuy nhiên, hạn chế quá mức có thể dẫn đến thèm ăn, ăn quá nhiều và làm chậm quá trình trao đổi chất theo thời gian. Điều này làm tăng khả năng tăng cân trở lại sau khi nạp lại carbs.
Thiếu hụt dinh dưỡng
Cắt bỏ hoàn toàn carbs có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch, khiến người bệnh dễ bị ốm hơn. Cách ăn này cũng có thể làm cơ thể mất đi các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin B, magiê, sắt và chất chống oxy hóa.
Nó đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ, người lớn tuổi và những người có bệnh nền. Thiếu hụt carbs lâu dài có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ khả năng miễn dịch đến cân bằng nội tiết tố.
Rối loạn tiêu hóa
Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và rau củ, tất cả đều giàu carbs phức hợp, rất quan trọng cho sức khỏe đường ruột. Chúng cung cấp chất xơ nuôi dưỡng lợi khuẩn, thúc đẩy nhu động ruột đều đặn và giảm viêm. Hạn chế carbs lâu dài thường dẫn đến táo bón và suy yếu hệ vi sinh vật đường ruột do thiếu chất xơ.

Làm tăng nguy cơ ung thư
Một nghiên cứu mới trên gần 44.000 người tham gia, vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nutrition and Cancer, còn phát hiện chế độ ăn ketogenic - với rất ít carbs, nhiều chất béo, thường được sử dụng để giảm cân - có thể làm tăng nguy cơ mắc tất cả các loại ung thư, theo trang tin sức khỏe Eating Well.
Các chuyên gia kết luận rằng chế độ ăn ít carbs có vai trò trong việc kiểm soát béo phì, tiểu đường hoặc động kinh, nhưng chúng phải được cá nhân hóa và có giới hạn thời gian.
Mục tiêu không phải là loại bỏ carbs, mà là lựa chọn chất lượng hơn số lượng. Bởi vì khi nói đến dinh dưỡng, tính bền vững quan trọng hơn là những phương pháp ngắn hạn.
Ảnh hưởng đến tim mạch và tâm trạng
Loại bỏ carbs lành mạnh như trái cây và ngũ cốc nguyên hạt có thể làm tăng lượng chất béo bão hòa hoặc thực phẩm giàu protein, từ đó có thể làm tăng mức cholesterol, theo Hindustan Times.
Nồng độ serotonin thấp do giảm lượng carbs có thể gây thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm.
Chuyên gia Pooja khuyên: Thay vì cắt bỏ hoàn toàn carbs, nên cân bằng, kiểm soát khẩu phần ăn, chuyển sang các loại carbs lành mạnh hơn.
Ăn cơm đúng cách
Một bữa ăn có khoảng 30% là tinh bột (cơm, bún, miến, bánh phở). Một bát cơm trắng là 130 calo. Người trưởng thành cần tiêu thụ từ 2.000 đến 2.300 calo mỗi ngày để duy trì cơ thể khỏe mạnh.
Theo thói quen, khi ăn 3 bữa cơm mỗi ngày, người Việt thông thường cần từ 667 đến 767 calo cho mỗi bữa ăn, tùy vào lượng thức ăn để dùng lượng cơm vừa đủ.
Nếu là người cần giảm calo nạp vào, năng lượng một bữa ăn của bạn từ 400-450 calo. Do đó, bạn có thể ăn một bát cơm trắng, ăn rau trước khi ăn cơm.
Cách ăn đúng là nên ăn chậm, nhai kỹ.