Ngày 2/7, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 55 tuổi nhập viện trong tình trạng tổn thương lóc da vùng cẳng chân hai bên do tai nạn giao thông, vết thương có nguy cơ hoại tử cần xử trí nhanh chóng.
Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2 suốt 12 năm, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và suy vỏ thượng thận do dùng thuốc kéo dài. Trước khi vào viện khoảng 30 phút, trong lúc điều khiển xe máy, bệnh nhân không may bị ngã xe, dẫn đến tổn thương da diện rộng, lộ cả cân cơ ở vùng cẳng chân.

Ngay sau khi tiếp nhận, Khoa Điều trị tích cực đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn liên khoa với Khoa Ngoại và Khoa Chăm sóc bàn chân để đánh giá mức độ tổn thương và nguy cơ nhiễm trùng.
Các bác sĩ thống nhất phối hợp điều trị bảo tồn, kết hợp chăm sóc vết thương tích cực nhằm tránh hoại tử, hạn chế tối đa nguy cơ phải can thiệp ngoại khoa sâu hoặc đoạn chi – một biến chứng nghiêm trọng ở người đái tháo đường.
Đồng thời, đội ngũ bác sĩ thẩm mỹ của Khoa Kỹ thuật cao cũng được mời hội chẩn để lên kế hoạch ghép da phục hồi vùng tổn thương, đảm bảo cả chức năng và thẩm mỹ sau điều trị cho người bệnh.
BS. Đỗ Đình Điểu, Khoa Điều trị tích cực cho biết: “Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh, huyết động ổn định, chỉ số sinh tồn bình thường, không ghi nhận tổn thương xương khớp trên hình ảnh X-quang.
Tuy nhiên, do nền bệnh lý mạn tính phức tạp, đặc biệt là đái tháo đường lâu năm, vết thương có nguy cơ cao nhiễm trùng, hoại tử nếu không được xử trí đúng cách.
Bệnh nhân được tiêm phòng uốn ván, sử dụng kháng sinh phổ rộng, kiểm soát đường huyết bằng insulin, kết hợp hạ mỡ máu và huyết áp theo phác đồ. Việc thay băng, rửa vết thương được thực hiện hàng ngày để ngăn ngừa biến chứng tại chỗ”.
Trường hợp này là một lời cảnh báo quan trọng cho người bệnh đái tháo đường. Các vết thương nhỏ hoặc tai nạn nhẹ có thể nhanh chóng diễn tiến nặng nề nếu không được theo dõi và điều trị sớm, đặc biệt khi hệ miễn dịch và khả năng liền vết thương đã bị suy giảm.
Bệnh nhân đái tháo đường nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày, không đi chân trần, lựa chọn giày dép phù hợp và cần đến cơ sở y tế ngay khi xuất hiện vết xước, mụn nước, phỏng hoặc va chạm mạnh ở chi dưới.
Chăm sóc tốt bàn chân đái tháo đường chính là bảo vệ chính người bệnh khỏi những biến chứng nghiêm trọng.
Điều quan trọng không chỉ là điều trị đái tháo đường bằng thuốc mà còn phải kiểm soát đường huyết ổn định, kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra.