Xử phạt hàng loạt cơ sở mỹ phẩm, dược ở TP HCM

Sở Y tế TP HCM vừa ra quyết định xử phạt hàng loạt cơ sở mỹ phẩm, dược vi phạm với số tiền gần 2,3 tỷ đồng.

Sở Y tế TP HCM đã báo cáo thực hiện tháng cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Sở Y tế TP HCM, từ đầu tháng cao điểm đến nay, ngành y tế đã phối hợp Phòng Y tế các địa phương kiểm tra 1.285 cơ sở, gồm các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, kinh doanh thiết bị y tế, sản xuất - nhập khẩu mỹ phẩm và các cơ sở khám chữa bệnh, phát hiện nhiều vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị y tế.

Ảnh minh hoạ/ITN-GD&TĐ

Trong đó, Sở Y tế trực tiếp kiểm tra 226 cơ sở, phát hiện vi phạm tại 41 cơ sở, xử phạt với tổng số tiền hơn 2,27 tỷ đồng, buộc nộp lại tang vật vi phạm là mỹ phẩm trị giá gần 40 triệu đồng. Tổ công tác đặc biệt của Sở cũng xử lý 3 cơ sở vi phạm, trong đó 2 cơ sở vi phạm về quảng cáo, một cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, với số tiền phạt trên 572 triệu đồng.

Phòng Y tế các địa phương kiểm tra thêm 1.059 cơ sở hành nghề y, dược, xử lý 14 cơ sở vi phạm, phạt tổng cộng 169,5 triệu đồng.

Lĩnh vực thiết bị y tế cũng ghi nhận nhiều sai phạm đáng chú ý. Sở Y tế đã ban hành 17 quyết định thu hồi 364 số công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với các sản phẩm thuộc nhóm thiết bị y tế loại A và B.

Một số sản phẩm bị công bố sai như gel rửa tay, máy đo đường huyết, máy massage, dung dịch vệ sinh phụ nữ, dụng cụ chăm sóc tai mũi họng.

Công an TP HCM phát hiện và bắt giữ nhóm đối tượng sản xuất, buôn bán dầu gió và mỹ phẩm giả. Ảnh: CACC.

Công an TP HCM phát hiện và bắt giữ nhóm đối tượng sản xuất, buôn bán dầu gió và mỹ phẩm giả. Ảnh: CACC.

Đồng thời, qua kiểm tra Sở Y tế ghi nhận các lỗi thường gặp của các doanh nghiệp là sản phẩm không phù hợp với định nghĩa là thiết bị y tế; Phân loại thiết bị y tế không đúng quy định, phân loại sai hoặc tự hạ thấp mức độ rủi ro của thiết bị y tế; Thành phần hồ sơ tự công bố chưa đúng quy định, thông tin hồ sơ không chính xác.

Cũng qua rà soát tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế chưa phát hiện có thiết bị y tế giả, kém chất lượng trong các bệnh viện, trung tâm y tế.

Tuy nhiên, có tình trạng một số cơ sở sản xuất, nhập khẩu thiết bị y tế lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế tự công bố để hạ thấp mức độ rủi ro, phân loại thiết bị y tế có mức độ rủi ro thấp (A và B), trong khi đây là đối tượng thuộc nhóm C và D để được công bố dễ dàng hơn hoặc dễ tham dự và trúng thầu.

Thời gian tới, Sở Y tế TP HCM sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý thiết bị y tế, đặc biệt là quản lý việc tự công bố hồ sơ thiết bị y tế trên địa bàn thành phố.

Thu hồi 2 mỹ phẩm kem đánh răng Aquafresh vi phạm

Công ty TNHH Phát Anh Minh bị Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 2 sản phẩm kem đánh răng Aquafresh Soft Mint và Aquafresh Clear Mint.

Mới đây, Cục Quản lý Dược đã ban hành Quyết định số 1855/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 2 sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Phát Anh Minh.

Cụ thể, 2 sản phẩm bị thu hồi gồm: Aquafresh Soft Mint (số tiếp nhận 264128/25/CBMP-QLD, cấp ngày 22/01/2025) và Aquafresh Clear Mint (số tiếp nhận 264127/25/CBMP-QLD, cấp ngày 22/01/2025). 2 sản phẩm này do Công ty TNHH Phát Anh Minh (địa chỉ số 13D, Khu tập thể Bộ Tư lệnh Thông tin, xã Tứ Hiệp, Hà Nội) sản xuất và phân phối.

Bộ Y tế siết tình trạng bán thuốc không theo đơn

Từ ngày 1/10/2025, tất cả các bệnh viện phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử. Đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn.

Những điểm mới trong Thông tư 26/2025/TT-BYT vừa được Bộ Y tế ban hành sẽ siết chặt công tác kê đơn thuốc ngoại trú, thúc đẩy nhanh quá trình liên thông đơn thuốc điện tử quốc gia, triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc từ năm 2026.

Bên cạnh đó, Thông tư này còn yêu cầu bổ sung các trường thông tin bắt buộc trong đơn thuốc như số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh.... và đưa ra quy định cụ thể về liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày, thời gian sử dụng. Thay đổi kỹ thuật nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn với người bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng sản phẩm An vị Mộc Linh

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra khuyến cáo, người dân không sử dụng thực phẩm chức năng An vị Mộc Linh của Công ty Dược mỹ phẩm A-M.

Ngày 27/6, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin về kết quả kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Phát triển Thương mại Dược mỹ phẩm A-M. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm công bố và phân phối thực phẩm bảo vệ sức khỏe An vị Mộc Linh.

Trước đó, ngày 22/4/2025, Đoàn kiểm tra đột xuất của Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Phát triển Thương mại Dược mỹ phẩm A-M (địa chỉ trụ sở tại số 54A ngõ 192 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Công ty TNHH Phát triển Thương mại Dược mỹ phẩm A-M là thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe An vị Mộc Linh tại Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 6160/2021/ĐKSP ngày 06/07/2021). Sản phẩm được sản xuất tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Bảo Nguyên (Khu công nghiệp Đồng Văn I, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).