Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hàng trăm nghìn ca bệnh ung thư mới, nhưng hệ thống y tế vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu máy móc, đặc biệt là các thiết bị xạ trị hiện đại. Tình hình này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Điển hình, lò Cyclotron của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) vừa ngừng hoạt động để bảo dưỡng sau gần 20 năm vận hành liên tục vào tháng 6/2025, khiến nhiều bệnh nhân khu vực phía Nam phải di chuyển ra Hà Nội hoặc ra nước ngoài để điều trị, gia tăng gánh nặng tài chính và thời gian.

Trong bối cảnh cấp thiết đó, nhiều địa phương và cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư vào các hệ thống xạ trị kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ung thư. Điều này mở ra một cơ hội lớn cho các nhà thầu cung cấp thiết bị y tế.
Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào thiết bị xạ trị
Nhiều bệnh viện lớn đang tích cực triển khai các dự án đầu tư trang bị hệ thống xạ trị:
Tại Bệnh viện K:
Dự kiến trang bị hệ thống xạ trị proton với mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng tại Cơ sở 4 (Đại Thanh, Hà Nội). Đây là kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài tiên tiến nhất, giúp khắc phục nhược điểm của xạ trị gia tốc tuyến tính phổ biến hiện nay, đặc biệt an toàn khi điều trị ung thư thần kinh, phổi và cho trẻ em. Đây là một trong ba đề án trung tâm xạ trị proton được Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế triển khai từ năm 2025 và hoàn thành giai đoạn 2026-2030. Tính đến tháng 6/2025, Bệnh viện K đã vận hành 7 máy xạ trị gia tốc tuyến tính.
Hiện, Bệnh viện đang mời thầu hai gói lớn thuộc Dự án "Đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ (đợt 2)" (tổng mức đầu tư 790,5 tỷ đồng), dự kiến đóng thầu ngày 21/7/2025:
Gói MS01-790: Mua sắm hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng với MLC ≥ 120 lá có chức năng xạ phẫu (SRS) và xạ trị định vị toàn thân (SBRT) và hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính có chức năng mô phỏng trong lập kế hoạch xạ trị ≤ 64 lát (giá 269,4 tỷ đồng).
Gói MS02-790: Mua sắm Máy xạ trị áp sát năng lượng cao (HDR) (kèm thiết bị phụ trợ) và hệ thống máy CT mô phỏng di động cho xạ trị áp sát (kèm thiết bị phụ trợ) (giá 51 tỷ đồng).
Đồng thời, Bệnh viện K cũng đang triển khai Dự án "Mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều" (199,361 tỷ đồng), với 3 gói thầu dự kiến mở thầu cùng thời gian trên:
Gói MS01: Mua sắm hệ thống máy xạ trị gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng với MLC ≥ 120 lá có chức năng xạ phẫu (SRS) và xạ trị định vị thân (SBRT) (giá 127 tỷ đồng).
Gói MS02: Mua sắm hệ thống máy CT mô phỏng 4D kèm hệ thống giám sát bệnh nhân (giá 35 tỷ đồng).
Gói MS03: Mua sắm hệ thống máy xạ trị áp sát năng lượng cao (HDR) (giá 24,724 tỷ đồng).
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy: Vừa hoàn tất lựa chọn nhà thầu Gói thầu mua sắm hệ thống Cyclotron và thiết bị phụ trợ đồng bộ đi kèm trị giá gần 200 tỷ đồng vào giữa tháng 6/2025, nhằm chủ động nguồn cung thuốc phóng xạ cho khu vực phía Nam.
"Cuộc đua" trang bị tại các địa phương và cơ hội cho nhà thầu
Không chỉ các bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều bệnh viện tại các tỉnh như Phú Thọ, Gia Lai, Thanh Hóa cũng đang tích cực tham gia vào "cuộc đua" trang bị hệ thống máy xạ trị hiện đại. Ví dụ, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa sắp tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Mua sắm hệ thống xạ trị gia tốc (giá 100,16 tỷ đồng). Ban Quản lý dự án khu vực tỉnh Hòa Bình (nay là Phú Thọ) cũng đang chuẩn bị Dự án Đầu tư mua sắm hệ thống gia tốc tuyến tính xạ trị ung thư và máy chụp cắt lớp vi tính mô phỏng cho Bệnh viện Đa khoa Tỉnh.
Những gói thầu và dự án quy mô lớn này mang đến cơ hội đáng kể cho các nhà thầu cung cấp thiết bị y tế. Điển hình là Công ty CP Y tế Việt Mỹ đã trúng thầu cung cấp hệ thống gia tốc xạ trị và CT mô phỏng tại cơ sở Tam Hiệp của Bệnh viện K (tháng 2/2025) , hệ thống máy gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng và hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính mô phỏng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (tháng 4/2025), và máy gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng (máy xạ trị) Elekta Infinity do hãng Elekta Beijing Medical Systems Co., Ltd sản xuất tại Trung Quốc (cuối năm 2024 tại Gia Lai).
Với cơ chế trao quyền tự quyết cho các bệnh viện tự chủ tài chính Nhóm 1 và Nhóm 2 vừa được Quốc hội thông qua tại Luật số 90/2025/QH15, nhiều ý kiến nhận định rằng các bệnh viện sẽ chủ động hơn trong triển khai các gói thầu thuộc dự án đầu tư và dự toán mua sắm thiết bị y tế kỹ thuật cao. Điều này không chỉ gia tăng số lượng máy móc mà còn nâng cao chất lượng công nghệ xạ trị, tạo bước ngoặt quan trọng trong điều trị ung thư, giúp thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới.