Vụ lợn nhiễm dịch tả châu Phi bán ở chợ đầu mối: Có lây nhiễm bệnh sang người, nấu chín liệu có an toàn?

Sau khi cơ quan chức năng phát hiện lợn bệnh được tuồn ra thị trường, rất nhiều người tiêu dùng hoang mang lo lắng. Vậy nếu không may ăn phải lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi thì phải làm sao? Bài viết này sẽ giúp bạn có thêm thông tin để bảo vệ sức khoẻ cũng như cách chọn được thịt lợn tươi ngon.

Mới đây, cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với nhiều đối tượng để điều tra, xử lý về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật.

Trước đó, lực lượng chức năng liên ngành tại Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một số cơ sở giết mổ và các kiot bán thịt lợn tại một số chợ tại Hà Nội, qua đó phát hiện số lượng lớn lợn còn sống có biểu hiện nhiễm bệnh, cũng như hàng tấn thịt lợn đã giết mổ đang chẩn bị mang đi tiêu thụ. Địa điểm tiêu thụ của số thịt lợn này là ở các chợ đầu mối, cũng như các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội. Với thủ đoạn mua lợn ốm với giá rẻ, sau khi giết mổ, sơ chế thịt lợn được bán ra thị trường và thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus Dịch tả lợn châu Phi (ASF) - một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm từ lợn mắc bệnh không được phép sử dụng làm thực phẩm và buộc phải tiêu hủy theo quy định pháp luật.

Lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ hàng tấn thịt lợn nhiễm bệnh tại Hà Nội. 

Trước thông tin trên, nhiều người lo ngại việc không may ăn phải thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi liệu có lây bệnh và gây nguy hiểm tới sức khỏe. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết, khi lợn mắc dịch tả lợn châu Phi 100% sẽ chết và đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn, nguy cơ lây lan nhanh, gây thiệt hại rất lớn với người chăn nuôi.

Về nguy cơ với sức khỏe, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, dịch tả lợn châu Phi khác với bệnh lở mồm, long móng hay cúm gia cầm, chúng chỉ lây lan trong đàn lợn, chứ không lây qua người. “Về cơ bản thịt lợn nhiễm tả khi được nấu chín thì không nguy hiểm và truyền bệnh cho người. Tuy nhiên, theo quy định lợn nhiễm dịch tả là phải tiêu hủy, không được sử dụng làm thực phẩm cho người”, ông Thịnh cho hay.

Vị chuyên gia này cảnh báo thêm rằng, với lợn nhiễm tả điều nguy hiểm nhất là sức đề kháng của lợn suy yếu hoặc bị chết, sau đó rất nhanh bị các loại vi khuẩn tấn công gây thối rữa. Ngoài ra, khi lợn có biểu hiện mắc bệnh, đa số người chăn nuôi tìm cách cứu chữa và tiêm thuốc cho lợn. Vì thế, nếu ăn phải thịt lợn bệnh, ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, thì nguy cơ nhiễm hóa chất, kháng sinh là rất lớn.

Để phòng vấn đề này, ông Thịnh cho rằng không đơn giản, bởi phụ thuộc nhiều vào ý thức của người chăn nuôi. “Người chăn nuôi nếu phát hiện lợn bệnh cần báo cơ quan chức năng tiêu hủy ngay thì mới ngăn chặn được từ gốc. Còn vì ham lợi, bán rẻ để thu hồi gốc thì nguy cơ người tiêu dùng ăn phải lợn bệnh là rất lớn”, ông Thịnh cho hay. Đồng thời, PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện và ngăn chặn kịp thời lợn ốm, lợn bệnh tuồn ra thị trường.

Khi chọn mua thịt lợn người tiêu dùng hãy lựa chọn kỹ lưỡng, tránh xa những loại thịt có dấu hiệu lạ. Ảnh minh họa.

Với người tiêu dùng, khi lựa chọn thịt lợn cũng cần phải lưu ý, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ mua phải lợn bệnh, lợn ốm. Theo đó, khi mua lợn có những đặc điểm dưới đây không nên mua:

- Có mùi lạ: Nếu lợn có mùi hôi, hoi thì không nên mua. Khi mua có thể ngửi trực tiếp hoặc để ra trước quạt sẽ cảm nhận được mùi khác lạ.

- Có màu khác lạ: Nếu thịt có màu xám đen, đỏ đậm, đỏ đen thì đó thường là thịt lợn bẩn và kém tươi. Còn những miếng thịt có vết máu, mỡ hồng, mạch máu sẫm màu là thịt lợn chết, bị bệnh.

- Không có độ đàn hồi: Thịt lợn tươi thường có độ đàn hồi lớn, khi ấn ngón tay xuống rồi thả ra, vết lõm trên miếng thịt do ngón tay tạo thành sẽ nhanh chóng đầy lên và biến mất.

- Miếng thịt nhìn sũng nước: Miếng thịt trông có nhiều nước hoặc ướt sũng rất có khả năng đã bị người bán bơm nước, ngâm nước để tăng trọng lượng. Nếu thấy nước chảy ra từ miếng thịt lợn và người bán thường xuyên lấy khăn thấm thì bạn nên tránh xa vì thịt đó đã bị bơm nước.

- Thịt lợn có hạch bạch huyết: Hạch bạch huyết thường chứa mầm bệnh, vi khuẩn, mùi hôi, khó diệt được vi khuẩn dù nấu kỹ. Cổ lợn là phần thịt có nhiều hạch bạch huyết nhất. Bạn nên tránh mua những miếng thịt nổi hạch.

Bạn có thể quan tâm