Lê Diễm Yến (tên nhân vật đã được thay đổi) - cô gái trẻ đến từ tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc vừa bước qua sinh nhật tuổi 22 không lâu thì phát hiện mắc ung thư buồng trứng giai đoạn cuối. Sau 5 tháng chiến đấu kiên cường với bệnh tật, Yến ra đi mãi mãi, để lại bao tiếc thương cho gia đình, bạn bè và những người từng yêu quý cô.
Yến từng là sinh viên năm cuối của một trường sư phạm. Cô không chỉ học giỏi, nhận được nhiều học bổng và danh hiệu trong suốt 4 năm đại học, mà còn sớm hiện thực hóa ước mơ đứng lớp. Cô đã từng đến vùng cao dạy học, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng học sinh và phụ huynh nơi đây nhờ sự nhiệt tình, gần gũi và tận tâm. Trong thời gian đó, Yến cũng được công nhận là “tình nguyện viên xuất sắc”. Cô đang trong quá trình hoàn thành luận văn và chuẩn bị ôn thi cao học, tiếp tục hành trình trở thành một giáo viên giỏi - ước mơ lớn nhất đời mình.

Gia đình hạnh phúc của chị Yến trước biến cố.

Chị Yến tại một tiết học tiếng Anh.

Cô giáo trẻ được lòng phụ huynh và học sinh khi đứng lớp.
Thế nhưng số phận lại quá nghiệt ngã. Tháng 2 năm nay, Yến bất ngờ bị sốt cao kéo dài, chưa kịp dùng thuốc hạ sốt thì đã ngất xỉu và được đưa vào viện. Kết quả kiểm tra khiến cả gia đình suy sụp: ung thư buồng trứng giai đoạn cuối, đã di căn nhiều nơi, tiên lượng xấu. Ngay lập tức, cô được chuyển lên tuyến trung ương tại Bắc Kinh để điều trị. Mẹ cô từ quê vội vã chạy đến, vừa hay tin đã gần như bạc trắng mái đầu vì quá lo lắng.

Cô được chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn cuối.


Sau ca phẫu thuật 9 tiếng, cô phải cắt bỏ hoàn toàn buồng trứng, tử cung, mất khả năng mang thai.
Ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ đã cắt bỏ gần như toàn bộ cơ quan sinh sản, bao gồm cả tử cung, buồng trứng, các hạch bạch huyết và ruột thừa. Yến biết mình vĩnh viễn mất đi cơ hội làm mẹ - cú sốc quá lớn với một cô gái mới chỉ 22 tuổi. Dù suy sụp, cô vẫn cố gắng vực dậy tinh thần, gượng cười để mẹ không lo. Sau phẫu thuật, bệnh tình tiếp tục diễn tiến xấu, buộc cô bước vào hành trình hóa trị đầy gian nan, đau đớn.
Tóc rụng từng mảng, cơ thể suy kiệt, những đêm dài truyền thuốc đến tận 2 giờ sáng khiến Yến không còn nhận ra chính mình trong gương. Có lần, mẹ cô đã phải tự tay cạo mái tóc dài cho con gái. Hai mẹ con không nói lời nào, chỉ lặng lẽ ôm nhau trong nước mắt.
Cùng lúc đó, mẹ Yến trở thành “siêu nhân” của con gái - vừa chăm sóc Yến từng bữa ăn giấc ngủ, vừa chạy vạy khắp nơi tìm thầy thuốc, phương thuốc, xoay xở vay mượn tiền điều trị. Những ngày nằm viện, Yến thường xuyên hỏi mẹ: “Nhà mình còn tiền không mẹ?”, trong lòng tràn đầy áy náy và dằn vặt.

Mẹ chị Yến khóc nấc khi tự tay cạo tóc cho con gái.

Cô gái trẻ nhiều lần nghe lén mẹ gọi điện vay tiền để chữa bệnh cho mình.
Sau nhiều đợt điều trị, bệnh vẫn tái phát. Đến lúc kiệt sức, Yến đã nhẹ nhàng nói với mẹ: “Không chữa nữa, mình về nhà thôi". Trong những ngày cuối đời, cô vẫn sống trọn vẹn tuổi thanh xuân - trang điểm thật xinh, cùng mẹ hoàn thành buổi bảo vệ tốt nghiệp, chụp ảnh kỷ yếu như một lời tạm biệt.
Nhưng người mẹ nào lại đành lòng buông tay? Bà lại tiếp tục đưa con đi khắp nơi: Bắc Kinh, Thiên Tân... với hy vọng mong manh rằng còn nước còn tát. Yến cũng gật đầu ký vào giấy điều trị, quyết tâm chiến đấu thêm một lần nữa. Thế nhưng, phép màu đã không xảy ra. Đầu tháng 7, cô gái nhỏ lặng lẽ rời xa thế giới, khép lại một cuộc đời vừa bắt đầu ở tuổi 22. Mẹ cô sau đó chia sẻ bức ảnh cuối cùng của hai mẹ con, nói rằng nếu biết con đi sớm như vậy, bà đã không để con chịu đựng những ca mổ quá đau đớn. Nhưng bà cũng phần nào nhẹ lòng vì con gái đã được giải thoát khỏi nỗi đau thể xác kéo dài.

Cô hoàn thành ước nguyện chụp ảnh kỷ niệm với mẹ.
Từ nhỏ, Yến lớn lên trong một gia đình ấm áp. Bố mẹ yêu thương, em trai ngoan ngoãn, cô là công chúa nhỏ trong mắt mọi người. Nhưng biến cố ập đến vào năm thi đại học, cha cô mất vì ung thư gan, ông nội mắc bệnh mất trí, gánh nặng dồn hết lên vai người mẹ gầy guộc. Thương mẹ, Yến không ngừng nỗ lực, cô học giỏi, ngoài giờ còn tranh thủ đi làm thêm, dạy kèm kiếm sống. Cô từng nói, chỉ cần mẹ được sống khỏe mạnh, cực khổ mấy cũng chịu được.
Trước khi mất, Yến từng chia sẻ trong một video rằng mình từng có hai thói quen xấu: kén ăn (không ăn đậu, hạt, rong biển, rau củ như cần tây, cà rốt…) và hay kìm nén cảm xúc, ít khi nói ra nỗi buồn. Theo các chuyên gia, những thói quen này về lâu dài có thể ảnh hưởng nội tiết và làm suy giảm hệ miễn dịch - yếu tố nguy cơ cao đối với ung thư buồng trứng.
Một số người cũng đặt nghi vấn về yếu tố di truyền, bởi cha Yến cũng mất vì ung thư. Trước khi rời đi, cô từng nhắn gửi mẹ và em trai: “Phải đi khám sức khỏe định kỳ, đừng để như con". Dù cuộc đời ngắn ngủi, Yến đã sống một tuổi trẻ đầy nghị lực và yêu thương.
Ung thư buồng trứng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào?
Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phụ khoa nguy hiểm nhất, có thể tác động nghiêm trọng đến chức năng sinh sản của phụ nữ. Khi khối u phát triển, bác sĩ thường phải can thiệp bằng cách cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ buồng trứng, tử cung và các cơ quan lân cận để ngăn chặn sự lan rộng của tế bào ung thư. Điều này khiến người bệnh mất hoàn toàn khả năng mang thai tự nhiên.
Ngoài ra, quá trình điều trị đặc biệt là hóa trị và xạ trị cũng có thể gây tổn thương buồng trứng, làm suy giảm chức năng nội tiết và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Ngay cả ở giai đoạn đầu, nếu không được điều trị bảo tồn đúng cách, khả năng sinh sản của người bệnh vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng vĩnh viễn.
Với những phụ nữ trẻ còn mong muốn làm mẹ, việc phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Một số trường hợp có thể được áp dụng các phương pháp bảo tồn buồng trứng hoặc trữ lạnh trứng trước khi điều trị, tuy nhiên cần được tư vấn kỹ lưỡng bởi các bác sĩ chuyên khoa sản và ung bướu.
Bệnh nhân ung thư buồng trứng có còn khả năng mang thai không?
Người bị ung thư buồng trứng vẫn có thể mang thai nếu phát hiện sớm và được điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn, khả năng mang thai tự nhiên gần như không còn. Vì vậy, việc tầm soát, phát hiện sớm và trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa là cực kỳ quan trọng.
Nếu phát hiện sớm (giai đoạn đầu), bệnh nhân vẫn có khả năng mang thai. Trong một số trường hợp, nếu ung thư chỉ ảnh hưởng đến một bên buồng trứng và bệnh chưa lan rộng, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật bảo tồn, chỉ cắt bỏ bên buồng trứng bị tổn thương, giữ lại buồng trứng còn lại và tử cung. Người bệnh có thể mang thai tự nhiên sau điều trị nếu chức năng buồng trứng còn tốt. Trước khi điều trị, nếu còn thời gian và điều kiện cho phép, người bệnh có thể được tư vấn trữ trứng hoặc phôi thai để bảo tồn khả năng sinh sản.
Nếu phát hiện muộn (giai đoạn tiến triển) thì khả năng mang thai rất thấp hoặc không còn. Ở giai đoạn này, thường phải phẫu thuật triệt để, cắt bỏ cả hai buồng trứng, tử cung, thậm chí cả các hạch bạch huyết và mô lân cận để ngăn ung thư lan rộng. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ mất hoàn toàn khả năng sinh sản tự nhiên và bước vào tình trạng mãn kinh sớm.