Núi rừng Quảng Ngãi có một loại quả nghe tên lạ tai, đó là trái bứa rừng. Loài cây mọc hoang dã này có thể cao từ 5–7m khi trưởng thành, thậm chí những cây cổ thụ có thể đạt tới 15m. Vào mùa, bứa rừng cho quả sai trĩu trịt, lấp ló sau những tán lá xanh rì.

Quả bứa rừng nhỏ nhắn, chỉ bằng nắm tay người lớn, vỏ dày, bên trong là các múi vàng nhạt xếp tròn như hoa nở. Nhiều người gọi vui đây là “măng cụt rừng” bởi hình dáng trái bứa rừng khá giống măng cụt, dù màu sắc và hương vị khác biệt. Khi còn xanh, vỏ bứa mang sắc xanh non, chín tới thì chuyển dần sang vàng óng, nổi bật giữa rừng cây. Hương vị của bứa rừng cũng rất đặc trưng: mới ăn sẽ thấy chát nhẹ nơi đầu lưỡi, nhưng càng nhai càng cảm nhận được vị chua thanh và ngọt dịu quyện vào nhau, vô cùng cuốn hút.
Cách đây vài năm, bứa rừng gần như chỉ là món ăn chơi của trẻ con miền núi. Quả chín rụng đầy dưới gốc mà chẳng mấy ai để ý. Chị Khánh Ngọc (quê ở Quảng Ngãi) bồi hồi nhớ lại ký ức tuổi thơ: “Hồi nhỏ, trưa nào cũng vậy, tôi cùng lũ bạn trong xóm lại rủ nhau trốn người lớn ra bìa rừng tìm bứa. Đứa lớn thì trèo lên cây hái hoặc dùng sào khoèo những quả ở tít trên cao, đứa nhỏ thì ở dưới nhặt rồi cả nhóm ngồi ăn ngay dưới gốc cây. Vỏ bứa rất dày, phải dùng răng cắn mạnh mới nứt, nhựa bứa làm đầu lưỡi chát xít, nhưng bên trong là những múi vàng chua thanh, ngọt nhẹ, ăn rồi cứ nhớ mãi".

Theo chị Ngọc, ngày trước bứa mọc đầy rừng, chỉ cần ra đồi cạnh nhà là có thể hái thoải mái. Nhưng giờ đây, do nhiều diện tích rừng bị phá để trồng keo, bạch đàn, nên cây bứa ngày càng khan hiếm. Nhiều nơi phải vào tận vùng núi sâu mới còn. Chính vì sự quý hiếm và hương vị độc đáo, bứa rừng khi xuất hiện ở thành phố đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng và trở thành món đặc sản được nhiều người săn lùng mỗi mùa.
Mấy năm gần đây, các chị em nội trợ truyền tai nhau mua bứa về ăn tươi, ngâm đường, ngâm rượu hoặc dùng vỏ nấu canh chua, kho cá. Từ đó, bứa rừng bắt đầu có mặt khắp các chợ mạng, cửa hàng đặc sản với giá dao động từ 35.000–55.000 đồng/kg tùy loại xanh hay chín.

Mùa bứa rừng chín ở Quảng Ngãi thường bắt đầu vào tháng 6 và kéo dài đến khoảng tháng 8 âm lịch hàng năm. Dọc các tuyến đường vùng núi, bà con bày bán từng thúng bứa tươi rói ven đường. Có thương lái đến tận nơi thu mua nên những lúc nông nhàn người dân vào rừng hái bứa cũng có thêm thu nhập. Bà Lê Thị Hân (người chuyên đi hái quả rừng) chia sẻ: “Mỗi lần đi hái bứa cũng được vài ba chục cân, có người đến tận nhà mua luôn, vừa đỡ công đem xuống núi, vừa có thêm tiền chi tiêu".
Không chỉ bán quả tươi, nhiều người còn phơi khô vỏ bứa để dùng quanh năm. Giá bứa khô hiện dao động khoảng 180.000 đồng/kg, được nhiều người đặt mua để kho cá, nấu canh chua, hoặc dùng làm dược liệu.


Không chỉ là món ăn lạ miệng, quả bứa rừng còn được nhắc đến trong một số tài liệu y học cổ truyền với công dụng hỗ trợ điều trị các chứng bệnh như thấp khớp, đau tai, rối loạn tiêu hóa, giun sán, sốt, lỵ... Nhiều bộ phận của cây bứa – từ vỏ quả, lá, hạt đến vỏ cây – đều có thể sử dụng làm thuốc nhờ đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, tiêu độc tự nhiên.