Mùa hè là thời điểm trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh như sốt virus, viêm họng, tiêu chảy, cảm cúm hay tay chân miệng do thời tiết nắng nóng, môi trường ô nhiễm và sức đề kháng giảm. Khi con đổ bệnh, không ít cha mẹ bối rối, lo lắng hoặc xử lý sai cách, khiến tình trạng của trẻ nặng hơn. Vậy khi trẻ ốm trong mùa hè, cha mẹ cần làm gì để con nhanh hồi phục và tránh biến chứng?
1. Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ
Khi bị ốm, cơ thể trẻ cần thời gian để hồi phục. Nghỉ ngơi đầy đủ giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, giảm mệt mỏi và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Cha mẹ nên cho con nghỉ học hoặc nghỉ sinh hoạt nhóm nếu đang bị sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy,…
Đồng thời, tạo không gian yên tĩnh, thoáng mát, tránh tiếng ồn và ánh sáng mạnh để trẻ dễ ngủ hơn. Ngủ đủ giấc cũng giúp cơ thể trẻ sản xuất nhiều kháng thể chống lại virus gây bệnh.

Trẻ bị ốm thường mệt mỏi và cần nhiều thời gian để cơ thể hồi phục. (Ảnh minh hoạ).
2. Bổ sung đủ nước và điện giải
Trẻ em rất dễ mất nước vào mùa hè, đặc biệt khi bị sốt cao, nôn ói hay tiêu chảy. Mất nước kéo dài không chỉ khiến trẻ mệt mỏi mà còn gây rối loạn điện giải, ảnh hưởng đến tim mạch và hệ thần kinh. Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, ưu tiên nước lọc, nước oresol pha đúng liều lượng hoặc nước dừa tươi, nước canh loãng.
Tuyệt đối tránh cho trẻ uống nước ngọt có gas, nước có màu nhân tạo vì dễ khiến bệnh nặng thêm. Nếu trẻ không chịu uống nước, có thể cho uống từng ngụm nhỏ nhiều lần.
3. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý
Khi ốm, nhiều trẻ trở nên biếng ăn hoặc chỉ muốn ăn đồ ngọt, lạnh. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng không hợp lý sẽ khiến cơ thể trẻ yếu hơn, lâu hồi phục. Cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, chọn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, sữa, trái cây chín mềm. Tăng cường rau xanh, trái cây tươi để bổ sung vitamin A, C, E giúp tăng sức đề kháng.
Tuyệt đối không ép trẻ ăn nếu đang nôn hoặc tiêu chảy nặng, thay vào đó nên ưu tiên nước và các món lỏng cho đến khi hệ tiêu hóa ổn định lại.

Trẻ ốm thường biếng ăn, vì vậy cha mẹ cần chế biến những món ăn dễ tiêu hóa nhưng vẫn đủ chất. (Ảnh minh hoạ).
4. Hạ sốt đúng cách
Sốt là phản ứng tự nhiên khi cơ thể chống lại vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, nếu sốt quá cao sẽ gây co giật, mệt mỏi hoặc mất nước nghiêm trọng. Cha mẹ cần đo nhiệt độ cho trẻ thường xuyên, nếu sốt từ 38,5°C trở lên, có thể cho uống thuốc hạ sốt paracetamol đúng liều theo cân nặng.
Đồng thời, lau người cho trẻ bằng nước ấm (không dùng nước lạnh hay rượu), mặc đồ thoáng mát, không ủ kín. Tuyệt đối không tự ý dùng nhiều loại thuốc cùng lúc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc mà không có chỉ định bác sĩ.
5. Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống
Mùa hè là thời điểm thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển. Khi trẻ bị bệnh, hệ miễn dịch suy giảm, việc giữ vệ sinh càng quan trọng để tránh bội nhiễm hoặc lây bệnh chéo. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Vệ sinh mũi, miệng bằng nước muối sinh lý nếu trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi. Không gian sống cần sạch sẽ, thông thoáng, tránh dùng điều hòa quá lạnh, thường xuyên lau chùi đồ chơi, vật dụng trẻ hay tiếp xúc.

Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên lau dọn nhà cửa, đồ chơi, dụng cụ ăn uống của trẻ. (Ảnh minh hoạ).
6. Theo dõi dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám kịp thời
Không phải bệnh nào cũng có thể điều trị tại nhà. Cha mẹ cần quan sát kỹ các dấu hiệu cảnh báo như sốt liên tục trên 39°C không giảm sau 2 ngày, nôn ói nhiều, tiêu chảy kéo dài, mệt lả, khó thở, phát ban bất thường, co giật, bỏ ăn… Đây có thể là biểu hiện của các bệnh nghiêm trọng như sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm não, tay chân miệng nặng... Trong trường hợp đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh biến chứng nguy hiểm.