Người vững tâm lý đến đâu cũng vẫn bị ám ảnh
Liên quan đến vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 ở Hạ Long (Quảng Ninh), đến nay cơ quan chức năng xác định cứu sống được 10 người, 37 người chết và 2 người vẫn đang mất tích. Hiện các cơ quan, tổ chức, chính quyền và gia đình các nạn nhân vẫn tập trung hỗ trợ những người được cứu sống, cũng như lo hậu sự cho những người đã mất.
Theo nhận định của các chuyên gia, với những người được cứu sống và người thân của những nạn nhân tử vong, điều họ đang phải hứng chịu lúc này đó là khủng hoảng rất lớn về mặt tinh thần. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, chuyên gia trị liệu tâm lý lâm sàng (Viện Tâm lý và Truyền thông, Hội Tâm lý học Việt Nam) cho biết, khi trải qua biến cố như vụ lật tàu vừa qua, tùy từng lứa tuổi, tinh thần và sự đối mặt, ứng xử của mỗi người mà có sự ảnh hưởng đến tâm lý khác nhau. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù ít hay nhiều đều có sự ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc và ám ảnh rõ rệt.

Sau vụ lật tàu, dù là người tâm lý vững đến đâu cũng sẽ bị ảnh hưởng và ám ảnh tâm lý. Ảnh: Internet.
Trong đó có hai kiểu phản ứng rõ rệt nhất khi ai đó phải trải qua biến cố lớn. Đó là sự sụp đổ tinh thần ngay tức thì hoặc sự đóng băng cảm xúc kéo dài. Bác sĩ Hồng Bách phân tích rằng, thường những vụ như thế này sẽ gây ra cú sốc tinh thần rất lớn, nếu không được can thiệp đúng cách, đúng thời điểm nó sẽ tạo tiền đề cho những sang chấn tâm lý kéo dài như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, mất kiểm soát…
BS Bách lấy ví dụ cụ thể về vụ lật tàu vừa xảy ra, đối với nhóm người trưởng thành như 4 người đàn ông cùng “bấu víu” sự sống trên một vật nổi, sau đó một người không trụ lại được và nói một câu từ biệt “chào anh em, tôi đi”. 3 người còn lại được cứu sống, họ chắn chắn sẽ bị ám ảnh, sốc tâm lý rất lớn và có thể sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời.
“Chúng ta cần phải hiểu rằng, nếu một người cao tuổi ra đi mà có sự chuẩn bị sẵn thì dù đau xót khi mất đi người thân là có, nhưng nó sẽ dần nguôi ngoai. Nhưng trong trường hợp này, khi cả 4 người còn trẻ, cùng thế hệ với nhau lại chứng kiến sự ra đi vì thảm họa và ngay trước mắt chắc chắn họ sẽ hoảng hốt, ám ảnh tâm lý về sau và lâu dài. Đặc biệt với người có hệ thần kinh yếu, thì nỗi ám ảnh sẽ theo họ rất lâu”, BS Bách nhận định.

Ngoài vấn đề về mặt thể chất, các nạn nhân và gia đình nạn nhân cần phải được hỗ trợ tâm lý lâu dài. Ảnh: Internet
Hay như với trường hợp cháu bé 10 tuổi được cứu sống, khi mà người thân của mình đều đã ra đi ngay trước mắt, thậm chí đến giờ bố vẫn mất tích thì sự ám ảnh sẽ càng lớn hơn nhiều. Theo đó, sự đè nén về tâm lý với cậu bé này sẽ diễn ra trong thời gian dài, từ đó dẫn tới các rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu… Những đứa trẻ ấy lớn lên với mặc cảm mất mát, ký ức chấn động khó xóa mờ và câu hỏi không lời đáp. Do vậy, sự hỗ trợ tâm lý với trường hợp này là vô cùng cần thiết.
Hãy hỗ trợ đúng cách, đúng lúc chứ không “đổ thêm dầu vào lửa”
Không chỉ có nạn nhân trực tiếp trong vụ lật tàu, bác sĩ Bách cũng cảnh báo việc xảy ra sang chấn tâm lý thứ cấp với những người xung quanh. Đó là những người thân của các nạn nhân dù không tham gia cùng chuyến du lịch đó, hay thậm chí là những người nghe kể lại sự việc cũng dễ bị sang chấn vì bị “lây” bằng con đường cảm xúc, quan sát và đồng cảm.
Không chỉ có vụ lật tàu, mà nhiều vụ việc đau thương từng xảy ra trước đó, việc truyền thông và mạng xã hội khai thác qua chi tiết, tỉ mỉ và đi sâu vào đời tư của các nạn nhân là điều tuyệt đối tránh. Chính việc đăng tải hình ảnh trước, trong và sau sự vụ quá nhiều, thậm chí còn tường thuật cả tang lễ, chia sẻ đau thương từ người thân chính là “chất xúc tác” mạnh mẽ khiến nỗi đau của người trong cuộc dâng trào lên mạnh mẽ. Hay nói cách khác, việc làm này không khác gì hành động “đổ thêm dầu vào lửa” khi chữa cháy.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho rằng, truyền thông và mạng xã hội không nên tiếp cận các câu chuyện đau thương, đời tư của các nạn nhân. Ảnh: BSCC.
“Khi sự việc trôi qua, nỗi đau họ đang dần nguôi ngoai, nhưng vô tình thấy hình ảnh câu chuyện của người thân, gia đình xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội… điều này vô tình lại đẩy họ xuống hố sâu, khiến sang chấn nặng nề hơn”, bác sĩ Bách cảnh báo.
Đối với nạn nhân sau vụ lật tàu ở Hạ Long, chuyên gia Nguyễn Hồng Bách cho rằng, việc hỗ trợ tâm lý nên diễn ra sau 10-15 ngày sau sự kiện mới đạt hiệu quả. Bởi ngay sau thảm họ, khi đó họ đang ở cao trào cảm xúc, bức bối, dằn vặt và đau khổ đến tận cùng như một bức tường mà lúc này không thể xâm nhập được.
Vị chuyên gia này cũng đề xuất, nên học hỏi một số quốc gia, xây dựng một bộ phận can thiệp tâm lý như một mắt xích bắt buộc để ứng phó với những vụ việc đau lòng xảy ra.
Khi xây dựng chiến lược về việc hỗ trợ tâm lý sau một vụ đau lòng sẽ bao gồm: - Nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, nhất là các đối tượng như cán bộ tại địa phương, giáo viên, lực lượng cứu hộ cứu nạn. - Xây dựng hành lang pháp lý, đưa “chăm sóc tinh thần” thành phần bắt buộc trong quy trình quản lý thiên tai. - Phát triển mô hình trị liệu nhóm và cá nhân, kết hợp online – offline để tiếp cận nạn nhân đa dạng. - Đưa trị liệu tâm lý vào lực lượng cứu hộ chuyên trách có mặt tại hiện trường từ sớm. |