Những ngày chạm tay vào cánh cửa tử thần
Trải qua cơn bạo bệnh, chị Nguyễn Như Quỳnh (SN 1993, quê Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ lại. Năm 27 tuổi, chị có một cuộc sống êm đềm mà nhiều người hằng mơ ước, từ công việc ổn định đến tổ ấm nhỏ. Nhưng rồi cuộc sống đang yên bình ấy bỗng vỡ ra từng mảnh.

Tuổi 27, chị Quỳnh phải chiến đấu với căn bệnh ung thư. (Ảnh: NVCC).
Một ngày năm 2020, chị phát hiện cơ thể gặp phải những dấu hiệu bất thường, chị tưởng đó chỉ là sự lặp lại của lần u nang buồng trứng năm nào. Nhưng rồi, tờ giấy xét nghiệm trả về một sự thật rắn rỏi đến tàn nhẫn với giọng chậm rãi từ bác sĩ: "Ung thư cổ tử cung, giai đoạn IB". Những thuật ngữ lạ lẫm, những khái niệm xa lạ như bỗng đè lên tim chị một tảng đá.
“Trong cơn hoảng loạn, tôi nghe tai mình ù đi, về đến nhà tôi oà khóc, nước mắt đua nhau rơi lã chã. Những ngày sau đó tôi sống trong mơ hồ và đau khổ. Hàng trăm viễn cảnh trong đầu đánh gục tôi ngay trước khi chiến đấu. Đến khi bình tĩnh trở lại, tôi đã bắt đầu quá trình lọc máu bằng liệu trình Đông y”, chị Quỳnh nhớ lại.
Ba tháng rồi sáu tháng, qua những lần kiểm tra, xét nghiệm, chỉ số tế bào ung thư trong máu giảm nhanh như một phép màu. Chị mừng đến rơi nước mắt. Nhưng chưa kịp thở phào thì cơn gió lạnh lại ập về, khối u vẫn còn đó, ngày một lớn hơn, từ 2 cm lên 4 cm, dày vò chị từ bên trong.

Dù cơ thể có héo mòn vì hoá chất, chị Quỳnh cũng chưa bao giờ có ý định buông tay. (Ảnh: NVCC).
Rồi đột ngột, đêm tháng 5/2021, chị Quỳnh bị xuất huyết, máu chảy ồ ạt không điểm dừng. Người ta đưa chị đi qua ba bệnh viện trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Tiếng còi xe cấp cứu vang dài như một sợi chỉ mỏng manh treo giữa sống và chết. Tỉnh dậy trong căn phòng trắng toát, nồng nặc mùi thuốc sát trùng, nhìn bàn tay vướng kim truyền, chị bước vào hành trình giành giật sự sống với tử thần.
28 lần xạ trị ngoài khiến da vùng lưng và mông sạm đen, bỏng rát đến mức không thể nằm xuống. 5 đợt hóa trị kéo dài mỗi tuần một lần, khiến cơ thể mệt lả, buồn nôn, chán ăn. Những ngày hóa trị, chị như “sống theo chu kỳ”, ngày thứ hai nằm liệt giường, đến ngày thứ năm mới nhúc nhích nổi, nhưng rồi lại tiếp tục truyền thuốc vào ngày thứ bảy. Ở giữa những cơn đau là 500-600 viên thuốc giảm đau được dùng trong vỏn vẹn hai tháng.
Tái sinh trong cuộc đời mới
Những ngày mắc ung thư, thứ chị Quỳnh thiếu thốn nhất là sức khỏe, còn thứ dư dả nhất lại chính là nỗi buồn. Có lẽ điều khiến chị đau lòng hơn cả, không phải là căn bệnh, mà là cảm giác đơn độc. Trong hai tháng nằm viện, chị gần như tự chăm sóc bản thân. Chồng đi làm, chỉ ghé lại buổi tối, hai bên gia đình cách trở không thể ở bên.
Giữa những ngày nằm viện triền miên, nỗi sợ lớn nhất của chị Quỳnh không còn là cái chết, mà là đứa con nhỏ mới chỉ vừa lên bốn. Chị lo đến quặn lòng, nếu một mai mình không còn, ai sẽ chăm con ăn từng bữa, dỗ con ngủ mỗi đêm? Tương lai con sẽ ra sao nếu thiếu mẹ? Những câu hỏi lặp đi lặp lại mà không có câu trả lời giày vò tâm trí chị Quỳnh nhưng cũng trở thành sức mạnh để chị gồng mình vượt qua từng đợt vào hóa chất.

Ba năm sau cơn bạo bệnh, chị Quỳnh giờ đây đã trở nên mạnh mẽ hơn, học được cách yêu thương chính mình. (Ảnh: NVCC).
Một năm sau liệu trình điều trị, khối u tan dần rồi biến mất, chị trở về bên con. Dẫu còn đó những tác dụng phụ từ xạ trị khiến cơ thể chị yếu đi rõ rệt, da dẻ khô sạm, nội tiết rối loạn, giấc ngủ chẳng bao giờ trọn vẹn. Cơn đau lưng âm ỉ, cảm giác mệt mỏi kéo dài, có khi chỉ đi một đoạn ngắn cũng hụt hơi. Cả khả năng sinh con cũng mất đi.
Nhưng đổi lại, chị được sống tiếp. Sau cánh cửa tử thần, chị học cách suy nghĩ khác đi. Không còn bon chen, không còn lo toan điều chưa đến. Cũng chẳng còn gồng mình để vừa lòng ai. Chị học cách thở sâu, sống chậm, cảm ơn cả những cơn đau vì chính nó đã dạy chị biết yêu mình hơn.
“Tôi từng là người chỉ biết sống theo kỳ vọng của người khác. Sợ bị đánh giá, sợ không làm hài lòng ai đó, sợ mình không đủ tốt. Nhưng sống như vậy rất mỏi. Đến khi bệnh tật đến, tôi mới nhận ra, tôi chẳng nợ ai ngoài chính mình cả”, chị Quỳnh tâm sự.

"Sau tất cả, điều đẹp đẽ nhất không phải là việc sống sót, mà là được sống là chính mình", chị Quỳnh nói. (Ảnh: NVCC).
Mỗi ngày với chị Quỳnh giờ đây là một món quà dịu dàng, dù là buổi sáng cắm hoa trong chiếc lọ cũ, bữa cơm chiều ăn cùng con, hay những bước đi thong thả trên con đường quanh nhà ngập nắng. Chị trân trọng sức khỏe như trân trọng điều thiêng liêng nhất. Không bỏ bữa, không thức khuya, tập thể dục nhẹ nhàng, học thiền để lắng lòng lại.
“Chỉ ai từng đi qua cái chết, mới thấy từng nhịp thở khỏe mạnh thôi cũng đáng quý đến nhường nào”, chị Quỳnh nói.
Căn bệnh từng lấy đi của chị sức khỏe, những năm tháng thanh xuân tươi đẹp và cả sự bình yên trong tâm trí. Nhưng nó cũng trả lại cho chị một phiên bản mới của chính mình, kiên cường hơn, sâu sắc hơn và biết trân trọng từng khoảnh khắc được sống. Sau tất cả, chị Quỳnh không còn là người phụ nữ sợ hãi trước dông bão, mà là người đã học cách đương đầu với mọi thách thức xảy đến trong đời.