Ở cữ - khoảng thời gian tưởng như đơn giản sau khi sinh con lại là đề tài gây nhiều tranh cãi trong xã hội hiện đại. Nên kiêng kỹ theo lời người xưa hay chăm sóc khoa học theo tư vấn trên mạng? Bỏ qua hay bám sát truyền thống? Một bà mẹ trẻ mới đây đã chia sẻ câu chuyện có thật của chính mình và trải nghiệm đắt giá ấy đang khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về cách ở cữ đúng đắn.
Người mẹ cho biết, khi sinh con thứ 2, cô quyết định thử "ở cữ theo kiểu mới", nghe theo lời khuyên phổ biến trên mạng về việc không cần quá kiêng khem. Chỉ vài ngày sau sinh, cô đã gội đầu, không đội mũ và tất thường xuyên, cũng không quá quan tâm đến việc giữ ấm. Thoải mái được vài hôm, cô bắt đầu cảm thấy cơ thể trở nên bất ổn.


Sản phụ trẻ gội đầu sau vài ngày sinh con.
Bây giờ, chỉ cần gió lùa nhẹ qua, hai vai và đầu gối của cô liền ê ẩm. Cơn nhức mỏi râm ran toàn thân như có khí lạnh len lỏi trong từng khớp xương. Cô miêu tả cảm giác ấy là "khó chịu đến mức không nói nên lời".
Điều đáng nói là ở lần sinh đầu, cô từng cẩn trọng tuân thủ chặt chẽ cách ở cữ truyền thống, giữ ấm từ đầu đến chân, tránh gió, không động vào nước lạnh, đặc biệt là tuyệt đối không gội đầu sớm. Kết quả là sau khi kết thúc kỳ ở cữ, cô hồi phục hoàn toàn, không gặp bất kỳ triệu chứng hậu sản nào. Cô không giấu nổi sự hối hận và chia sẻ thêm với các chị em: "Nếu được làm lại, nhất định sẽ không chủ quan như lần hai".


Sản phụ thừa nhận hối hận với lựa chọn của mình, hiện tại cứ trời trở lạnh là cơ thể cô đau nhức.
Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Phần bình luận dưới bài viết gần như biến thành một diễn đàn mini - nơi các bà mẹ thi nhau chia sẻ kinh nghiệm, bày tỏ quan điểm và tranh luận về việc nên hay không nên kiêng cữ nghiêm ngặt.
Một người đồng tình với sản phụ trẻ: "Tôi quá hiểu cảm giác đó. Sinh con đầu, mẹ chồng cứ dặn không được gội đầu trong tháng. Tôi không tin, ngày thứ 12 đã gội, lại còn bật điều hòa. Giờ thì chỉ cần trời trở lạnh là sau gáy đau nhói như kim chích".
Tuy nhiên, người khác lại phản đối và chia sẻ trải nghiệm ngược lại: "Chị tôi sinh giữa mùa hè, cả nhà lo giữ ấm đến mức quấn kín mít, cửa sổ không dám mở. Kết quả là rôm sảy đầy người, tóc thì viêm chân vì lâu ngày không gội. Cũng khổ lắm".
Giữa hai luồng ý kiến trái ngược, nhiều người cho rằng, tuỳ vào cơ địa mỗi người, sẽ có trải nghiệm khác biệt khi ở cữ. "Mẹ tôi xưa sinh giữa đông, vẫn giặt quần áo bằng nước lạnh. Còn tôi chỉ uống sữa hơi nguội thôi mà đã đau bụng cả ngày. Cơ địa mỗi người mỗi khác'; "Tôi khỏe, sau sinh một tuần đã tắm nước ấm, sấy tóc khô ngay, mặc áo dài tay, không sao cả. Nhưng bạn thân tôi yếu hơn, chỉ cần rửa tay bằng nước lạnh sau ở cữ là cổ tay đau tới giờ"... những bình luận khác.
Các chuyên gia sản khoa Trung Quốc cho rằng, truyền thống và khoa học, mỗi bên đều có lý. Việc kiêng gió, giữ ấm sau sinh vốn có cơ sở y học. Sau sinh, cơ thể phụ nữ yếu, khí huyết hư tổn, lỗ chân lông mở rộng, dễ bị tà khí xâm nhập. Nếu không chú ý giữ ấm, các chứng đau mỏi, sợ lạnh, rối loạn nội tiết có thể xuất hiện, thậm chí kéo dài nhiều năm.
Những điều cần lưu ý trong thời gian ở cữ để sớm hồi phục sức khỏe
1. Giữ ấm cơ thể nhưng tránh trùm kín quá mức:
Sau sinh, cơ thể người mẹ thường bị suy giảm sức đề kháng, khí huyết hư tổn, da và lỗ chân lông giãn nở nên rất dễ nhiễm lạnh. Việc giữ ấm cơ thể là điều cần thiết, nhất là vào mùa đông hoặc khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, nhiều người vì quá lo lắng mà trùm kín mít, đóng cửa suốt cả ngày, không để không khí lưu thông, điều này dễ gây bí bách, khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, dẫn đến rôm sảy, nhiễm khuẩn da, thậm chí gây mệt mỏi thêm cho sản phụ.
Giải pháp hợp lý là mặc đồ dài tay bằng chất liệu thấm hút tốt, đi tất mỏng, đội mũ vải nhẹ, giữ ấm vùng bụng và bàn chân. Phòng ở cần thông thoáng, tránh gió lùa trực tiếp nhưng không nên bịt kín hoàn toàn.
2. Vệ sinh cá nhân đúng cách, tắm gội hợp lý:
Nhiều người quan niệm ở cữ phải kiêng nước, không được tắm gội trong suốt một tháng. Tuy nhiên, việc không vệ sinh cá nhân trong thời gian dài có thể gây mất vệ sinh, viêm nhiễm da đầu hoặc vùng kín, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe.
Thực tế, sau khoảng 5 đến 7 ngày sinh (đối với sinh thường, sức khỏe ổn định), sản phụ có thể tắm bằng nước ấm từ 38 đến 40 độ C. Khi gội đầu, nên làm nhanh, dùng khăn lau và sấy khô tóc ngay sau đó, không để tóc ướt lâu. Không nên tắm ngâm mình trong bồn, mà chỉ nên dùng vòi sen hoặc lau người bằng khăn ấm. Thời gian tắm không nên kéo dài quá 10 đến 15 phút. Quan trọng nhất là sau khi tắm xong cần mặc quần áo khô ráo, giữ ấm cơ thể kịp thời.
3. Ăn uống đầy đủ chất, không kiêng khem quá mức:
Chế độ dinh dưỡng sau sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và chất lượng sữa cho con. Nhiều người vì sợ lạnh bụng, sợ mất sữa hoặc nghe theo quan niệm dân gian mà kiêng quá mức: không ăn rau, không uống nước lọc, chỉ ăn thịt kho mặn, cháo gạo trắng. Những cách ăn uống đơn điệu, mất cân bằng có thể khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu dinh dưỡng, dễ bị táo bón, mất sữa và chậm hồi phục.
Thay vào đó, nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm: chất đạm (thịt nạc, cá, trứng), rau xanh, củ quả, ngũ cốc nguyên cám, các món canh bổ dưỡng. Uống đủ nước ấm mỗi ngày, có thể bổ sung thêm nước gạo rang, nước đậu đen rang, sữa ấm để hỗ trợ tạo sữa.
4. Nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động mạnh:
Thời gian sau sinh là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi tuyệt đối. Tuy nhiên, không nên nằm suốt cả ngày vì có thể gây chèn ép tĩnh mạch, làm chậm tuần hoàn máu. Nên kết hợp giữa nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng như đi lại quanh phòng, co duỗi chân tay sau 1 đến 2 ngày để tránh đông máu, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện tâm trạng.
Sản phụ tuyệt đối không nên làm việc nhà nặng nhọc, bê đồ, leo cầu thang nhiều trong ít nhất 2 đến 3 tuần đầu sau sinh. Việc chăm sóc con nhỏ nên được người thân hỗ trợ để mẹ có thời gian hồi phục và ngủ đủ giấc.
5. Quan sát cơ thể, lắng nghe và phát hiện sớm dấu hiệu bất thường:
Việc lắng nghe cơ thể rất quan trọng trong giai đoạn sau sinh. Nếu có dấu hiệu như sốt trên 38 độ, sản dịch có mùi hôi, đau nhức kéo dài, ti bị cương đỏ hoặc vết mổ sưng tấy, cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời. Ngoài ra, nếu có biểu hiện tâm lý như lo âu kéo dài, mất ngủ, chán ăn, khóc không rõ lý do, đó có thể là dấu hiệu trầm cảm sau sinh và cần được người thân quan tâm, đồng hành và hỗ trợ tinh thần.
6. Điều chỉnh việc ở cữ theo thể trạng của mỗi sản phụ:
Không có một quy chuẩn cố định nào cho việc ở cữ. Điều quan trọng là sản phụ và gia đình cần hiểu rõ cơ địa của mẹ: nếu thể trạng yếu, dễ nhiễm lạnh, cần giữ ấm kỹ hơn; nếu khỏe mạnh, có thể linh hoạt hơn trong sinh hoạt. Đồng thời, việc chăm sóc cần phù hợp với thời tiết: mùa lạnh cần đặc biệt chú ý giữ ấm, mùa nóng phải đảm bảo thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
Xem thêm video sau đây:
Những lưu ý khi chăm sóc sức khỏe bà mẹ sau sinh. Nguồn video: Sức khoẻ & Đời sống