Thắp hương mùng 1 tháng 6 nhuận có gì khác? Lưu ý quan trọng khi lên hương để gặp may mắn, được tổ tiên phù hộ

Tháng 6 nhuận âm lịch trong năm 2025 là điều khiến không ít người cảm thấy băn khoăn khi bước vào ngày mùng 1 đầu tháng. Nhiều người tự hỏi: Liệu việc thắp hương trong tháng 6 nhuận có cần làm khác so với thông lệ? Có điều gì cần kiêng kỵ để đón tài lộc không?

Thắp hương mùng 1 tháng 6 nhuận có gì khác không?

Năm 2025 là một năm đặc biệt khi có thêm tháng nhuận, cụ thể là hai tháng 6 âm lịch liên tiếp. Điều này khiến nhiều người băn khoăn liệu việc thắp hương vào ngày mùng 1 của tháng 6 nhuận có gì khác biệt so với các ngày mùng 1 thông thường hay không, bởi theo quan niệm dân gian, tháng nhuận đôi khi được xem là "tháng dư".

Về vấn đề này, theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, việc cúng lễ hay thắp hương vào mùng 1 tháng 6 nhuận không có gì khác so với các tháng khác trong năm. Gia chủ vẫn có thể thực hiện nghi lễ như thường lệ, không cần cầu kỳ hay thay đổi cách thức cúng bái. Quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm và giữ gìn nề nếp thờ cúng theo truyền thống gia đình.

Thời gian thắp hương vào ngày mùng 1 âm lịch thường không cố định, mà tùy theo nền nếp gia phong của từng gia đình hoặc phong tục tập quán của từng vùng miền. Tuy vậy, theo truyền thống lâu đời, ông bà ta thường chọn thời điểm sáng sớm để dâng hương. Đây là lúc bình minh vừa hé rạng, ánh sáng ban mai trong lành chiếu rọi khắp nơi, cũng là thời khắc được cho là các đấng linh thiêng dễ cảm nhận được lòng thành của người trần. Thắp hương vào giờ đẹp của buổi sáng không chỉ giúp khởi đầu tháng mới trong an lành mà còn mang đến nhiều phúc khí, tài lộc và năng lượng tích cực cho cả gia đình.

Bên cạnh đó, gia chủ cũng có thể chọn thời điểm chiều tối để thắp hương, nhất là khi không sắp xếp được vào buổi sáng. Trong không gian tĩnh lặng của chiều tối, mùi hương trầm lan tỏa dễ tạo nên cảm giác ấm cúng, viên mãn, góp phần tăng thêm sự trang nghiêm cho lễ cúng. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên thắp hương sau 19 giờ (7 giờ tối). Bởi theo quan niệm dân gian, sau khoảng thời gian này, các vong hồn lang thang thường bắt đầu xuất hiện và tìm chỗ trú ngụ. Nếu thắp hương muộn, dễ bị hiểu là “mời gọi” các vong linh không rõ lai lịch ghé vào nhà, gây nhiễu loạn trường khí, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài vận và sự bình an của gia đình.

Những lưu ý khi thắp hương vào ngày mùng 1

Cúng lễ vào ngày mùng 1 âm lịch là một phong tục tâm linh quan trọng trong đời sống người Việt. Người ta tin rằng, nếu ngày đầu tháng được suôn sẻ, trang nghiêm, thanh tịnh thì cả tháng sẽ hanh thông, thuận lợi. Vì vậy, nghi lễ cúng mùng 1 cần được thực hiện chu đáo, trang trọng, đi kèm với sự thành tâm và giữ gìn các điều kiêng kỵ. Dưới đây là những điều gia chủ cần lưu ý:

Lau dọn bàn thờ 

Trước khi thắp hương ngày mùng 1, bàn thờ cần được lau dọn sạch sẽ, lý tưởng là vào 1-2 ngày cuối tháng âm lịch. Trong quá trình lau dọn, gia chủ có thể dùng khăn sạch thấm nước ấm hoặc nước ngũ vị (nước đun từ các loại lá thơm như trầu không, bưởi, sả...) để tăng thêm tính thanh khiết. Tuyệt đối không được xê dịch hay di chuyển bát hương nếu không có ý định làm lễ an vị, vì theo quan niệm dân gian, việc động bát hương một cách tùy tiện sẽ ảnh hưởng đến long mạch và sự linh thiêng của không gian thờ tự.

Trang phục chỉnh tề, nghiêm trang

Khi thắp hương hay đứng lễ, người thực hiện cần ăn mặc trang nghiêm, sạch sẽ. Tránh mặc quần áo hở hang, rách rưới, váy ngắn, áo trễ nải hoặc quần đùi áo ba lỗ. Sự tôn kính thể hiện qua ngoại hình cũng là một phần quan trọng trong việc bày tỏ lòng thành với tổ tiên, thần linh.

Chọn nhang, hương và lễ vật cúng

Nên chọn loại nhang có mùi dịu nhẹ, làm từ thảo mộc tự nhiên, không chứa hóa chất độc hại để tránh ảnh hưởng sức khỏe và giữ sự thanh khiết cho không gian cúng lễ. Hương ẩm, dễ tắt cũng không nên sử dụng vì theo dân gian, đó là dấu hiệu không lành.

Về lễ vật, không nhất thiết phải cúng mâm cao cỗ đầy, mà nên tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Có thể là mâm cơm chay, hoa quả, trầu cau, nước trà… miễn là chuẩn bị với tấm lòng thành kính, tránh phô trương lãng phí.

Giữ gìn không khí thanh tịnh khi hành lễ

Không khí khi cúng lễ cần yên tĩnh, trang nghiêm. Tránh nói tục, cãi vã, la hét hoặc bật nhạc lớn xung quanh khu vực thờ cúng. Người cúng nên giữ sự tập trung, nhất tâm hướng về tổ tiên, thần linh – không vừa làm lễ vừa nói chuyện điện thoại hay mải lo việc khác.

Người đứng lễ cần giữ thân thanh tịnh

Người trực tiếp thắp hương và đọc văn khấn – thường gọi là “người đứng cúng” – nên giữ mình thanh tịnh từ đêm cuối cùng của tháng trước. Cụ thể:

- Không sinh hoạt vợ chồng

- Không ăn các món đại kỵ

- Không dùng thực phẩm nặng mùi như tỏi, hành sống, mắm tôm, mắm tép

- Giữ thân thể sạch sẽ, rửa tay bằng nước lá thơm, mắt có thể xông lá trầu không để thanh tẩy, trước khi làm lễ nên uống một chén trà thơm như một nghi thức nhập tĩnh và tỏ lòng thành kính.

* Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!

Bạn có thể quan tâm