Chân gà hay còn gọi là "cẳng gà", từng là bộ phận ít được chú ý trên bàn ăn. Trước đây, nhiều người xem chân gà là phần thừa thãi, chỉ dùng để nấu nước lèo hoặc bỏ đi. Thế nhưng với thời gian, khẩu vị ẩm thực thay đổi, chân gà dần được "lên hạng" thành món ăn khoái khẩu, không chỉ phổ biến trong các quán nhậu bình dân mà còn góp mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng sang trọng.

Chân gà có kích thước nhỏ, gồm ba ngón chính với phần da giòn dai bao quanh mô và sụn. Không giống như thịt gà nạc, phần chân không chứa nhiều cơ thịt mà chủ yếu là da, gân và sụn, tạo cảm giác sần sật, giòn tan khi nhai.
Về giá trị dinh dưỡng, chân gà chứa nhiều collagen, protein, canxi và các axit amin – rất tốt cho xương khớp, da và móng. Ngoài ra, khi nấu lên, các chất dinh dưỡng trong chân gà dễ tan vào nước, làm đậm đà hương vị món ăn.
Tại các chợ truyền thống, chân gà công nghiệp có giá dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, trong khi chân gà ta có thể lên đến 60.000 – 90.000 đồng/kg tùy chất lượng. Ở các nhà hàng quán ăn, giá một đĩa chân gà chế biến sẵn thường từ 70.000 – 100.000 đồng.
Khi được chế biến đúng cách, chân gà không còn cảm giác béo hay dai cứng mà trở nên mềm, giòn rụm, kết hợp hoàn hảo với các loại gia vị chua, cay, mặn, ngọt.
Dù là luộc, hấp hay nướng, chân gà đều có khả năng “hút” gia vị tốt. Mỗi cách chế biến lại mang đến một hương vị riêng biệt, khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi.

Phổ biến nhất phải kể đến chân gà sả tắc – món ăn được yêu thích bởi sự kết hợp hài hòa giữa vị chua của tắc, mùi thơm của sả và độ giòn sần sật của chân gà sau khi luộc và ngâm nước mắm pha. Ngoài ra, chân gà nướng muối ớt cũng là lựa chọn hàng đầu tại các quán nhậu, với lớp da cháy cạnh thơm phức, đậm đà vị cay mặn.
Với những ai yêu thích món ăn thanh vị, chân gà hấp hành là lựa chọn lý tưởng: chân gà mềm, thơm nhẹ mùi hành lá và gừng, rất dễ ăn. Nếu thích hương vị đậm đà, chân gà chiên nước mắm là món không thể bỏ qua.
Những tác dụng của chân gà với sức khỏe
Cung cấp collagen tự nhiên dồi dào
Một nghiên cứu từ Khoa Thú y, Đại học Chung-Hsing (Đài Loan) cho thấy chân gà là nguồn collagen tự nhiên rất phong phú, tương đương với lượng collagen tìm thấy trong các loại rau xanh và trái cây. Collagen đóng vai trò then chốt trong việc duy trì độ đàn hồi của da, hỗ trợ hấp thụ canxi và protein – những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
Tăng cường sức khỏe xương khớp
Ở người lớn tuổi, khả năng hấp thụ canxi suy giảm khiến xương dễ bị tổn thương và gãy. Việc bổ sung chân gà – giàu protein, collagen và canxi – có thể giúp củng cố hệ xương, hạn chế nguy cơ loãng xương, thoái hóa khớp. Thói quen ăn chân gà từ khi còn trẻ chính là cách dự phòng hữu hiệu cho sức khỏe xương khớp về sau.
Hỗ trợ phục hồi vết thương
Chân gà chứa lượng protein và canxi đáng kể – hai yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi tổn thương mô, tái tạo dây thần kinh, cơ bắp và xương. Vì vậy, đây là thực phẩm hữu ích trong chế độ ăn hỗ trợ chữa lành vết thương.

Cải thiện hệ tiêu hóa
Mô liên kết và sụn trong chân gà khi hầm lên sẽ tiết ra các chất dinh dưỡng như collagen, protein, chondroitin và glucosamine. Những chất này hòa tan trong nước, tạo nên món súp hoặc nước dùng vừa thơm ngon, vừa dễ tiêu hóa, đồng thời hỗ trợ chức năng đường ruột hoạt động hiệu quả hơn.
Giúp móng tay, móng chân chắc khỏe
Các dưỡng chất như collagen, axit amin (glycine, hydroxyproline, proline) được giải phóng trong quá trình nấu chân gà có tác dụng nuôi dưỡng và duy trì sự chắc khỏe của móng.
Bảo vệ sức khỏe nướu răng
Tình trạng nướu yếu hay viêm nướu không chỉ do vệ sinh răng miệng kém mà còn bắt nguồn từ việc thiếu hụt dưỡng chất. Chân gà chứa các thành phần như collagen, gelatin, axit amin – giúp tái tạo mô liên kết và cải thiện sức khỏe nướu răng.
Tăng cường hệ miễn dịch
Không chỉ giàu collagen, chân gà còn chứa nhiều khoáng chất quan trọng như kẽm, đồng, magie, canxi và phốt pho. Những yếu tố vi lượng này đóng vai trò hỗ trợ cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh.