Một nghiên cứu cho thấy rằng trong gần 94% mẫu cá từ Vịnh Jakarta (Indonesia) chứa đầy những mảnh vi nhựa độc hại, mỗi mảnh không lớn hơn 5 mm.
Nếu trong cá có vi nhựa, rồi con người lại ăn cá, thì vi nhựa sẽ tích tụ trong cơ thể con người, điều đó rất nguy hiểm - nhà nghiên cứu Widodo Setiyo Pranowo ở Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia của Indonesia cảnh báo, theo trang CNA.
Vi nhựa được tạo thành khi rác thải nhựa phân rã thành những hạt gần như vô hình. Trong thế giới hiện nay, những hạt cực nhỏ này ở khắp nơi, từ đất, đến biển, đến không khí mà chúng ta hít thở.

Sử dụng kính hiển vi để kiểm tra mẫu trầm tích chứa vi nhựa. (Ảnh: Getty Images)
Theo CNA và The Straits Times, dựa trên nghiên cứu của ĐH Cornell (Mỹ), người dân các nước Đông Nam Á “nạp” nhiều vi nhựa vào cơ thể nhất. Trong đó, đứng thứ nhất là người dân Indonesia, với 15g/người/tháng. Phần lớn các hạt vi nhựa có nguồn gốc từ thủy hải sản.
Ở vị trí thứ hai là người Malaysia, với 12g/người/tháng; Vị trí thứ ba là người dân ở Philippines và Việt Nam, đều ở mức 11g/người/tháng.
Một phần lý do của việc này là rác thải nhựa ra biển. Theo CNA, 6 trong số 10 nước có lượng rác thải nhựa bị đưa vào biển/đại dương lớn nhất là thuộc Đông Nam Á, theo một nghiên cứu năm 2021. Ngoài ra, ở nhiều nước châu Á, người dân hay có thói quen sử dụng nylon, nhựa để gói, đựng thức ăn, theo phó giáo sư Deo Florence L Onda ở ĐH Philippines Diliman.
Vi nhựa hình thành khi các sản phẩm nhựa lớn (chai nước, túi nilon, bao bì…) phân hủy dưới tác động của ánh nắng và nước biển, vỡ vụn thành những mảnh nhỏ dưới 5mm. Những mảnh này được cá nhầm là thức ăn và đưa thẳng vào cơ thể.
"Người dân thường chiên cả con cá nhỏ rồi ăn nguyên con. Nghĩa là ăn cả vi nhựa trong mang và nội tạng của chúng", giảng viên đại học Indonesia Mufti Petala Patria cho biết.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), có tới 80% rác nhựa ngoài đại dương đến từ đất liền, chủ yếu là các túi nhỏ dùng một lần (sachet). Greenpeace từng thống kê, năm 2020 toàn cầu tiêu thụ 855 tỷ túi sachet, một nửa trong số đó nằm ở Đông Nam Á.
Tại Philippines, người dân dùng khoảng 164 triệu túi nhựa mỗi ngày, chiếm tới 52% lượng rác nhựa quốc gia.
Ở Jakarta, những con kênh nhỏ thường bị biến thành bãi rác công cộng. "Hàng xóm vứt rác xuống sông, tôi cũng làm theo vì gần nhà"- ông Edi, sống tại khu Manggarai, chia sẻ.
Theo chuyên gia hàng hải Deo Florence Onda (Đại học Philippines), vi nhựa không chỉ đến từ bao bì, mà còn từ chính những vật dụng nhựa bị trầy xước khi chế biến thực phẩm, khiến các mảnh nhỏ li ti trộn vào thức ăn và nước uống hàng ngày.
Các nhà khoa học cảnh báo, các hạt vi nhựa có thể đi vào máu. Hệ thống miễn dịch cũng sẽ “ăn” các hạt vi nhựa nhưng chỉ có thể loại bỏ được một phần và dường như có mối liên hệ giữa các hạt vi nhựa với sự suy giảm nhận thức ở con người. Chẳng hạn, những người có nhiều vi nhựa trong cơ thể thì dễ bị các chứng rối loạn nhận thức hơn.
Ngoài ra, những người có nhiều vi nhựa trong cơ thể cũng có nguy cơ bị các bệnh tim mạch cao hơn. Thậm chí, các em bé trong bụng mẹ cũng có thể bị nhiễm vi nhựa từ cơ thể mẹ. Trong các loại nhựa có đến hơn 10.000 loại hóa chất, trong số đó có hơn 4.000 hóa chất được coi là rất độc hại đối với con người.
Để giảm nguy cơ nạp vi nhựa vào cơ thể, con người cần bảo vệ môi trường, giảm xả rác, tránh đồ nhựa dùng một lần, không dùng nylon và hộp nhựa kém chất lượng để đựng thực phẩm…
Mặt khác, nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng các loại nhựa một lần, nylon trong đời sống người dân, rất cần các quyết sách mang tính chiến lược đến từ chính phủ, cần có một mô hình chính sách cụ thể áp dụng vào thực tiễn để người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng quá nhiều đồ nhựa sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể như thế nào, đặc biệt là đối với thế hệ tương lai. Ngoài ra, cũng cần có quy định riêng đối với các nhà sản xuất sản phẩm nhựa.