Bạn bè can thiệp vào hôn nhân, lợi hay hại?

Một lời khuyên đúng lúc của bạn bè có thể cứu vãn mối quan hệ, nhưng sự can thiệp quá sâu đôi khi lại ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình bạn.

Hôn nhân luôn được ví như một “pháo đài kín”, nơi chỉ có hai người hiểu rõ những gì đang thực sự diễn ra bên trong. Thế nhưng, trên thực tế, không ít cuộc hôn nhân bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, trong đó có vai trò của bạn bè, những người tưởng chừng chỉ đứng bên lề lại đôi khi trở thành nhân vật tác động không nhỏ đến sự bền vững hay đổ vỡ của một gia đình.

3.jpg
Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Khi bạn bè là người gỡ rối, xoa dịu

Nhiều cặp vợ chồng đã từng trải qua những giai đoạn bão giông mà nếu không có sự hỗ trợ tinh thần từ bạn bè, có lẽ họ đã buông tay. Một lời khuyên đúng lúc, một người đủ khách quan, bình tĩnh lắng nghe, giúp người trong cuộc xả hết bức xúc, giận hờn là điều quý giá.

Có những tình bạn lâu năm, hiểu tính cách cả hai vợ chồng nên dễ nhìn ra vấn đề và biết cách khuyên nhủ, hòa giải. Họ không đứng về phía ai một cách mù quáng mà khéo léo chỉ ra điểm chưa đúng của cả hai, giúp đôi bên kiềm chế cái tôi, hạ bớt cái nóng giận bộc phát. Trong nhiều trường hợp, bạn bè còn trở thành cầu nối, thậm chí sẵn sàng làm trung gian cho những cuộc nói chuyện thẳng thắn giữa hai người đang giận nhau.

Nhưng cũng có thể là “con dao hai lưỡi”

Tuy nhiên, không phải lúc nào sự xuất hiện của bạn bè cũng mang lại kết quả tích cực. Trong thực tế, đã có không ít câu chuyện dở khóc dở cười khi bạn bè vô tình (hoặc hữu ý) can thiệp quá sâu vào đời sống vợ chồng.

Một người bạn nhiệt tình quá mức có thể dễ trở thành chuyên gia tư vấn hôn nhân bất đắc dĩ. Họ mang quan điểm, tiêu chuẩn hạnh phúc của bản thân áp đặt lên bạn mình, khuyên bạn nên làm theo cách của họ mà không hiểu hoàn cảnh, tính cách, câu chuyện riêng của hai vợ chồng. Từ những lời khuyên “Hãy ly thân đi cho dễ thở”, “Mạnh mẽ lên, đừng để nó bắt nạt nữa”, đến cả việc xúi giục, đổ thêm dầu vào lửa… vô tình đẩy mâu thuẫn lên cao trào.

Đáng lo hơn là những mối quan hệ bạn bè độc hại. Họ là những người sẵn sàng thêu dệt chuyện riêng, thêm thắt chi tiết, bàn tán sau lưng hoặc gieo rắc hoài nghi. Họ có thể gieo vào đầu một bên vợ/chồng những ý nghĩ tiêu cực như “Anh/chị ta ngoại tình rồi”, “Anh/chị ta không còn yêu mày đâu”… Những lời nói này, nếu không được kiểm chứng, rất dễ phá hoại lòng tin và ảnh hưởng đến gia đình.

Vì sao dễ để bạn bè can thiệp?

Thường thì khi gặp trục trặc, con người có xu hướng tìm kiếm một nơi để trút bầu tâm sự. Bạn bè gần gũi, thân thiết, dễ chia sẻ và thường đứng về phía mình nên càng trở thành chỗ dựa quen thuộc. Đôi khi, vì muốn chứng minh mình không sai hoặc để tìm kiếm sự ủng hộ, người trong cuộc dễ kể quá nhiều chuyện riêng tư, để rồi khi góp ý vượt quá giới hạn, tình bạn và hôn nhân đều bị đe dọa.

Mặt khác, sự phát triển của mạng xã hội cũng khiến “cánh cửa” của pháo đài hôn nhân dễ bị mở toang. Những câu chuyện giận hờn, than thở cá nhân dễ bị công khai, và rồi bạn bè, người ngoài, thậm chí là người lạ đều có thể nhảy vào phán xử, đưa lời khuyên vô tội vạ.

Giữ ranh giới thế nào để hôn nhân không biến thành chuyện “chung”

Điều quan trọng là mỗi cặp đôi cần tự xây dựng vùng an toàn của riêng mình. Mâu thuẫn trong hôn nhân là chuyện không tránh khỏi, nhưng giải quyết thế nào là quyền và trách nhiệm của hai người. Bạn bè có thể nghe, có thể chia sẻ quan điểm, nhưng không nên để họ cầm lái thay mình.

Khi chia sẻ với bạn, nên chọn lọc thông tin tránh kể quá chi tiết những chuyện riêng tư hoặc xấu xí của vợ/chồng, bởi bạn không thể kiểm soát cách họ sẽ hiểu, sẽ kể lại hoặc dùng nó thế nào. Hãy giữ lại cho nhau những góc riêng cần được tôn trọng.

Về phía bạn bè, nếu thật sự yêu quý nhau, điều tốt nhất họ có thể làm là lắng nghe, xoa dịu và nhắc nhở bạn bình tĩnh, hướng về cách giải quyết tích cực thay vì kích động hay hùa theo cảm xúc tiêu cực.

Hôn nhân là câu chuyện dài mà chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ. Bạn bè có thể là phao cứu sinh quý giá, giúp ta không bị nhấn chìm khi bão tố ập đến. Nhưng nếu để bạn bè trở thành người cầm lái hay người phán xử thay mình thì rủi ro đổ vỡ lại càng lớn.

Quan trọng nhất vẫn là cách vợ chồng cùng nhau gìn giữ, sửa chữa, đối thoại và vun đắp niềm tin. Và nếu cần một bên thứ ba thì đôi khi, một chuyên gia tâm lý hôn nhân sẽ là lựa chọn khôn ngoan hơn nhiều so với việc để bạn bè can thiệp quá sâu.

Đừng để sự can thiệp của họ hàng làm rạn nứt hôn nhân

Hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người. Sự can thiệp từ họ hàng, nếu thiếu tinh tế xử lý, có thể trở thành mồi lửa làm rạn nứt hạnh phúc.

Trong đời sống hôn nhân, vợ chồng nào cũng mong muốn xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, bền chặt. Thế nhưng, thực tế không ít cuộc hôn nhân rơi vào bế tắc không phải vì những mâu thuẫn nội tại, mà bởi sự can thiệp quá mức từ họ hàng hai bên. Từ những góp ý tưởng như vô hại đến các hành động thao túng, áp đặt, nếu không tỉnh táo, các cặp đôi dễ rơi vào vòng xoáy căng thẳng, hiểu lầm và xa cách.

h8.jpg
Ảnh minh họa/ Nguồn Internet

Ứng xử sao khi ông bà can thiệp việc nuôi dạy cháu

Việc ông bà can thiệp chuyện nuôi dạy cháu là vấn đề thường gặp nhưng có thể giải quyết bằng sự thấu hiểu, giao tiếp khéo léo và phân định rõ ràng vai trò.

Trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các gia đình sống chung ba thế hệ, việc ông bà tham gia vào quá trình chăm sóc và nuôi dạy cháu là điều thường thấy. Đây vừa là lợi thế, vừa là thách thức. Nếu như tình thương và kinh nghiệm sống của ông bà có thể hỗ trợ rất nhiều cho con cháu, thì trong không ít trường hợp, sự can thiệp quá sâu lại khiến cha mẹ trẻ cảm thấy bị áp lực, mất kiểm soát trong việc dạy con. Vậy làm thế nào để xử lý tình huống nhạy cảm này một cách hài hòa?

4.jpg
Ảnh minh họa/ Nguồn Internet

Muốn hôn nhân bền vững, hãy làm bạn đời của nhau

Hôn nhân bền vững không chỉ nhờ tình yêu, mà còn cần một tình bạn để vợ chồng luôn thấu hiểu và đồng hành bên nhau.

Hôn nhân không chỉ cần tình yêu, mà còn cần một tình bạn đủ sâu để vợ chồng hiểu, chấp nhận và đồng hành cùng nhau qua những giai đoạn đầy thử thách của cuộc sống.

h2.jpg
Ảnh minh họa/ Nguồn internet