Sởi biến chứng nặng, hai người đàn ông phải hồi sức tích cực

Sởi giai đoạn đầu có thể chỉ là sốt, ho, phát ban, nhưng biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, suy đa tạng... có thể xảy ra rất nhanh.

Sởi biến chứng suy hô hấp, suy đa tạng....

Hai người đàn ông trong độ tuổi lao động, không có tiền sử bệnh nền nặng, hiện đang chiến đấu giành lại sự sống từng giờ tại đơn vị Hồi sức tích cực - Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vì mắc sởi.

Sởi không còn là bệnh truyền nhiễm nhẹ, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh đã và đang cho thấy một “gương mặt mới”, hiểm họa nghiêm trọng, biến chứng nhanh, đa cơ quan và có thể tử vong, thậm chí ở cả những người trưởng thành khỏe mạnh.

Bệnh nhân nam, 35 tuổi, quê ở Thái Bình, nhập viện ngày 29/6 với triệu chứng sốt phát ban và suy hô hấp. Chỉ sau vài ngày, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch và được chẩn đoán: Sởi biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, viêm cơ tim, suy tim cấp, viêm gan B mạn tính.

soi-nguy-kich-1.png
ThS. BSNT. Lê Thanh Đạt, Viện y học Nhiệt đới thăm khám bệnh nhân sởi biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim - Ảnh BVCC

Hiện bệnh nhân đang thở máy, an thần sâu, điều trị tích cực với kháng sinh mạnh và miễn dịch tĩnh mạch (IVIG). Đáng nói, bệnh nhân bị viêm cơ tim, một biến chứng hiếm gặp của sởi. Điều này khiến quá trình điều trị càng trở nên phức tạp, tiên lượng hạn chế.

Tương tự, bệnh nhân nam, 45 tuổi, đến từ Hà Giang, nhập viện ngày 30/6 trong tình trạng suy hô hấp. Bệnh nhân được xác định mắc sởi kèm theo viêm phổi nặng và suy hô hấp cấp, hiện cũng đang phải thở máy qua nội khí quản và điều trị hồi sức tích cực. Các bác sĩ đánh giá tiên lượng của bệnh nhân “rất nặng”.

ThS.BSNT Lê Thanh Đạt, Viện y học Nhiệt đới, bác sĩ điều trị chính cho biết: Điểm chung của cả hai trường hợp là không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi, không xác định được nguồn lây, là những người trưởng thành trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh mạn tính nặng nề.

PGS. TS. BS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Thời gian vừa qua, Viện Y học Nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều ca sởi người lớn biến chứng nặng, nhiều người có bệnh nền, phụ nữ có thai,....

Một số bệnh nhân có biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, tăng men gan,... Nếu không được điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân có thể tử vong. Tiêm vắc xin phòng sởi là một cách tốt nhất để bảo vệ chính mình và cộng đồng”.

Sởi không phải là bệnh chỉ gặp ở trẻ em, nó còn là mối nguy hiện hữu cho cả người lớn và cộng đồng, không nên xem nhẹ bệnh sởi với bất kỳ lứa tuổi, đối tượng nào. Cần kiểm tra lại lịch tiêm chủng của bản thân và người thân mình để có biện pháp bổ sung kịp thời.

Những người làm việc trong môi trường đông người, phụ nữ chuẩn bị mang thai, hoặc sống trong khu vực đang có dịch cần chủ động đến các cơ sở y tế để được tư vấn.

soi-nguy-kich.png
Bệnh nhân viêm phổi, suy hô hấp nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

Bệnh sởi không còn đơn giản, cộng đồng không được chủ quan

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Giai đoạn đầu có thể chỉ là sốt, ho, phát ban, nhưng biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, suy đa tạng... có thể xảy ra rất nhanh, đặc biệt ở những người chưa có miễn dịch, hệ miễn dịch suy giảm, bệnh lý nền.

Điều đáng lo ngại là, hiện nay nhiều người lớn không nhớ rõ mình đã từng tiêm vắc xin phòng sởi hay chưa, hoặc chủ quan vì nghĩ bệnh chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, thực tế lâm sàng cho thấy người trưởng thành hoàn toàn có thể bị mắc sởi và diễn biến bệnh nặng không kém, thậm chí còn phức tạp hơn do biến chứng.

Hiện tại, ngành y tế đã ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ của sởi tại nhiều địa phương với xu hướng gia tăng ca mắc ở người lớn, đặc biệt là những người chưa từng tiêm chủng đầy đủ. Nếu không có biện pháp phòng ngừa sớm, hệ thống y tế có nguy cơ quá tải vì các ca bệnh nặng như trên.

Vắc xin là “lá chắn sống” duy nhất

Theo các chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm, tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.

Hai liều vắc xin sởi: Mũi đầu lúc 9 tháng tuổi, mũi nhắc lúc 18 tháng có thể bảo vệ đến 97% người được tiêm.

Với người trưởng thành chưa tiêm hoặc chưa rõ đã tiêm hay chưa, hoàn toàn có thể chủ động tiêm bổ sung để phòng bệnh.

Tắm lá chữa sởi thanh niên 17 tuổi nổi phỏng nước toàn thân

Việc tự ý điều trị tại nhà không đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa và đặc biệt là bội nhiễm da.

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa tiếp nhận trường hợp nam thanh niên 17 tuổi (Hoàng Quế - Đông Triều) nhập viện trong tình trạng viêm da tiếp xúc bội nhiễm nghiêm trọng sau khi tự điều trị bệnh tại nhà.

Theo gia đình cho biết, trước đó khoảng 10 ngày, người bệnh xuất hiện các triệu chứng sốt, nổi ban đỏ toàn thân nghi là mắc bệnh sởi. Tuy nhiên thay vì đến cơ sở y tế thăm khám để nhận được tư vấn điều trị từ bác sĩ, người nhà lại tự mua các loại thuốc nam về uống, lá thảo dược để tắm và bôi thuốc xanh methylen.

Điều trị sởi, bé 7 tuổi phát hiện khối u thần kinh hiếm gặp

U nguyên bào thần kinh nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến di căn, khó điều trị và giảm cơ hội sống của người bệnh.

Bệnh nhi nam 7 tuổi (Quảng Yên - Quảng Ninh) nhập viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để điều trị bệnh sởi biến chứng viêm phổi.

Trong quá trình điều trị bệnh nhi được siêu âm ổ bụng và tình cờ phát hiện u sau phúc mạc. Sau khi điều trị viêm phổi ổn định bệnh nhi được tiến hành phẫu thuật cắt u sau phúc mạc và gửi mẫu bệnh phẩm để tiến hành làm xét nghiệm mô bệnh học.

Tưởng sốt ho thông thường, bé 8 tuổi phổi "trắng xóa" sau 6 giờ nhập viện

Sởi là bệnh truyền nhiễm lành tính với đa số trẻ em đã tiêm phòng đầy đủ, nhưng nếu không tiêm hoặc tiêm muộn, nguy cơ biến chứng rất cao, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Theo thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc, tại đây vừa cứu sống một bé gái 8 tuổi bị sởi biến chứng viêm phổi, suy hô hấp cấp (ARDS) và sốc nhiễm khuẩn nguy kịch.

Trước đó, bệnh nhi điều trị tại nhà 4 ngày với triệu chứng tưởng chừng không quá nghiêm trọng: ho, sốt và nổi ban đỏ. Tuy nhiên, khi nhập viện bệnh nhi đã sốt cao, khó thở và nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nặng, nguy cơ không qua khỏi cao.